Sáng 19/11, hội thảo "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực" do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã khai mạc tại TP HCM. Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu, trong đó có 100 vị là những học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Trong ngày hôm qua, hội nghị có 3 phiên gồm 12 tham luận về các chủ đề: địa chính trị, những diễn biến gần đây và chính trị nội bộ - chính sách đối ngoại về vấn đề Biển Đông. Trong đó, phiên thảo luận thứ hai có nhiều chủ đề nóng được đăng ký. Một trong số đó là bài tham luận của tướng (nghỉ hưu) Daniel Sharffer, Viện châu Á (Pháp) với tựa đề "Quá trình chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc thông qua việc hiện thực hóa đường 9 đoạn (đường lưỡi bò)".
Dù có không ít tham luận chạm đến đề tài nhạy cảm song trong ngày thảo luận đầu tiên, việc kiềm chế, tuân thủ luật pháp quốc tế giữa các bên, duy trì vai trò đoàn kết của ASEAN được nhắc đến nhiều nhất. Theo quan điểm của nhiều học giả, lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy không thể dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp như ở Biển Đông. Các nước tham gia tranh chấp phải giữ cân bằng giữa bảo vệ quyền lợi của riêng mình và duy trì sự ổn định ở Biển Đông.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đường dây nóng, tổ chức tuần tra hải quân chung đã cải thiện được môi trường và quản lý vấn đề tranh chấp Biền Đông dễ dàng hơn. Ảnh: Hà Thanh |
Các nhà nghiên cứu cảnh báo, thời gian vẫn còn nhưng ngày càng ít cho các bên tranh chấp ở Biển Đông tìm kiếm giải pháp hòa bình để kiểm soát và giải quyết các tranh chấp. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay vùng biển này đã trở thành một trong những khu vực có tranh chấp phức tạp nhất trên thế giới.
Một số đại biểu nhận định các biện pháp xây dựng lòng tin an ninh biển như việc thiết lập đường dây nóng, tổ chức tuần tra hải quân chung ít nhiều đã cải thiện được môi trường và quản lý vấn đề tranh chấp Biền Đông dễ dàng hơn. Ngoài ra, cũng cần tận dụng các kênh ngoại giao và quốc phòng hiện đang kết nối các quốc gia trong khu vực, ví dụ như đối thoại chính phủ trực tiếp, tiếp tục các cơ chế đối thoại an ninh khu vực hiện có như ARF, EAS.
Giám đốc học viện Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý cho biết, hội thảo diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc được ký kết. Đây cũng là dịp điểm lại 10 năm ASEAN và Trung Quốc cam kết thúc đẩy các biện pháp hợp tác, tăng cường lòng tin, không làm phức tạp thêm tình hình trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).
Theo ông Quý, hội thảo lần này là cơ hội trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu và đánh giá mới nhất từ góc độ luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế của các học giả từ nhiều nước trên thế giới về tầm quan trọng của Biển Đông. Các đại biểu sẽ điểm lại diễn biến gần đây trên vùng biển này và đề xuất giải pháp cho các tranh chấp. Mục tiêu cuối cùng là nhằm tăng cường hợp tác, ngăn ngừa và kiểm soát xung đột, kiểm soát khủng hoảng tại vùng biển này.
Hai ngày tới, tức ngày 20-21/11, hội thảo sẽ tiếp tục thảo luận các chủ đề: hiện đại hóa quân sự và tác động, lợi ích và chính sách của các cường quốc ngoài khu vực, Biển Đông trong quan hệ ASEAN - Mỹ - Trung Quốc. Các khía cạnh pháp lý, thực trạng và xu thế hợp tác khu vực trên Biển Đông cũng sẽ được bàn thảo. Ngoài ra, giới chuyên môn sẽ đề cập đến cơ chế giải quyết tranh chấp, quản lý xung đột và hướng giải pháp và kiến nghị chính sách nhằm tăng cường an ninh và hợp tác ở Biển Đông.
Đây là lần thứ tư Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông ở trong nước. Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009. Khi đó, Trung Quốc đã công khai quan điểm về Biển Đông bằng cách chuyển đến Liên Hiệp Quốc bản đồ đường lưỡi bò (đường 9 đoạn), bị các nước liên quan phản đối.
Hà Thanh