"Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong họp báo chiều nay.
Bà Hằng trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ điều hai chiến hạm đi vào khu vực sát quần đảo Hoàng Sa để thực thi quyền tự do hàng hải mới đây.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Việt Nam đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hoà bình, và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông", bà Hằng nói.
Hôm 27/5, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục USS Higgins và tuần dương hạm USS Antietam đi qua vùng biển trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo Cây, Linh Côn, Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là một phần trong hoạt động tuần tra duy trì tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông của hải quân Mỹ. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, FONOP thể hiện sự "thách thức với tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức". Các chiến dịch diễn ra trong phạm vi 12 hải lý quanh một đảo hoặc thực thể để cấu thành một cuộc tuần tra tự do hàng hải về mặt pháp lý.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa.
Khánh Lynh