Việc Myanmar sớm trở thành thành viên chính thức Ủy hội sông Mekong (MRC) được Việt Nam khuyến khích, Bộ Ngoại giao dẫn tuyên bố chung sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi hôm nay cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Aung San Suu Kyi khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế khu vực trong Tiểu vùng sông Mekong, bao gồm hợp tác Mekong - Nhật Bản, Mekong - Hàn Quốc, Mekong - Sông Hằng, Sáng kiến hạ nguồn sông Mekong cũng như hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).
MRC là tổ chức liên chính phủ về hợp tác và đối thoại khu vực tại lưu vực sông Mekong, thành lập năm 1995 dựa trên Hiệp ước Mekong giữa Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. MRC có chức năng như một diễn đàn khu vực về ngoại giao nguồn nước, cũng như đầu mối về quản lý nguồn nước vì sự phát triển bền vững của khu vực. Hiện Trung Quốc và Myanmar chưa phải là thành viên của MRC.
Lãnh đạo Việt Nam và Myanmar khẳng định cam kết tăng cường hợp tác nhằm sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương lên một tỷ USD. Hai bên mong muốn sớm ký Chương trình hành động giai đoạn 2018-2023 để triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện được thiết lập năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bà Suu Kyi nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, trong đó có tổ chức Đối thoại Chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng trong năm 2018.
Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí tiếp tục ủng hộ việc hiện thực hóa các mục tiêu trong Cộng đồng ASEAN thông qua hợp tác khu vực trong khuôn khổ ACMECS, Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLM), đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được COC có hiệu lực tại Biển Đông.
Khánh Lynh