Đại diện các nước dự cuộc họp Hội đồng các Thống đốc Quỹ Á – Âu (ASEF) lần thứ 37 ngày 1/12 nhất trí với đề xuất của Việt Nam về tăng cường sự tham gia và đóng góp của doanh nghiệp vào hợp tác Á - Âu (ASEM) và ASEF, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Theo đó, đề xuất của Việt Nam nhằm tranh thủ nguồn lực, khơi dậy sự sáng tạo, đưa hợp tác đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Cuộc họp được tổ chức tại Đà Nẵng trong hai ngày 30/11 và 1/12.
Các đại biểu cũng nhất trí thông qua dự án của Việt Nam về Hội nghị Á – Âu, liên quan đến việc triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, do Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trì; Hội thảo về triển khai các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam do Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì.
Đại diện các nước cho rằng những dự án nói trên có nghĩa thiết thực với hai châu lục nói chung và với ASEAN nói riêng, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực trong kỷ nguyên số, triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 gắn với Chương trình nghị sự 2030.
Trước đó, trong Tọa đàm về “Xây dựng tầm nhìn quan hệ đối tác Á – Âu toàn diện cho thế kỷ 21”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hôm 30/11 nêu rõ khi sắp kết thúc thập niên thứ hai của thế kỷ 21, cục diện khu vực và quốc tế chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc hơn, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, liên kết kinh tế ở nhiều khu vực bị chậm lại.
Các thách thức toàn cầu, xung đột và căng thẳng khu vực, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh nước - lương thực - năng lượng đặt ra cấp bách hơn, đòi hỏi giải pháp ở tầm liên khu vực và đa tầng nấc.
Do đó, Thứ trưởng Sơn cho rằng đây là lúc cần xây dựng tầm nhìn cho một quan hệ đối tác Á - Âu có trách nhiệm và có khả năng thích ứng, đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương.
Cũng trong toạ đàm, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Thống đốc Việt Nam tại ASEF khẳng định năm vừa qua là khoảng thời gian đầy thử thách đối với hợp tác đa phương, hệ thống thương mại đa phương và cho cả hai khu vực Á - Âu với những bất định và khó lường, thậm chí chuyển dịch trong cục diện kinh tế, chính trị. Do đó, các nước cần trao đổi phương thức thúc đẩy hợp tác thực chất, nâng cao hình ảnh và tăng cường hiệu quả của ASEM và ASEF.
Khánh Lynh