Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên gọi truyền thông là "kẻ thù của người dân" vào năm ngoái, nhiều người đã tỏ ra phẫn nộ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ở bang Arizona Jeff Flake nói đây là ví dụ về một cuộc công kích "chưa từng có" và "không có lý do xác đáng" của Nhà Trắng nhằm vào báo chí tự do, theo BBC.
Lần thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư Trump sử dụng cụm từ này, phản ứng của mọi người đơn giản chỉ còn là cái nhún vai. Đó là tài năng độc đáo của Tổng thống Mỹ - biến một hành động hay ý kiến từ chỗ bị phản ứng thái quá trở nên bình thường.
Tuy nhiên, ngay cả khi cách nói này không còn trở thành tiêu đề trên mặt báo, các nhà báo vẫn lưu tâm đến nó. Trong cuộc gặp bí mật với Trump cách đây 9 ngày, chủ biên tờ New York Times Arthur Gregg Sulzberger dường như muốn thay đổi cách nhìn nhận của Tổng thống Mỹ đối với truyền thông bất đồng quan điểm.
"Tôi nói thẳng với Tổng thống rằng ngôn ngữ của ông ấy không chỉ gây chia rẽ mà ngày càng nguy hiểm. Cụm từ 'tin giả' không những sai sự thật mà còn có hại. Ngoài ra tôi còn lo lắng hơn khi ông ấy gắn mác cho nhà báo là 'kẻ thù của người dân'", Sulzberger chia sẻ hôm 29/7.
Tuy nhiên, thông điệp của Sulzberger có thể đã không được Tổng thống Mỹ tiếp nhận. Trong bài đăng sáng 29/7, Trump dường như khẳng định việc ông gọi truyền thông là "kẻ thù của người dân" hoàn toàn do lỗi của họ. Đối với Trump, "tin giả" và "kẻ thù của người dân" là vấn đề của truyền thông và họ cần sửa chữa, không phải vấn đề của ông.
Điều đáng nói là dù chỉ trích truyền thông "tin giả" nhưng Trump vẫn trích dẫn thông tin từ tờ New York Times về cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống năm 2016 của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Hôm 27/6, ông cũng đề cập đến việc Mueller xem các bài đăng trên Twitter của ông, mà thông tin này được lấy từ bài báo của Times. Trước đó, bất cứ khi nào Times đưa tin về chính quyền đều bị Trump coi là "tin giả".
Trump muốn phủ sóng thông tin tích cực về ông và thông tin tiêu cực về các đối thủ. "Tin giả", "kẻ thù của người dân" và công kích tất cả phương tiện truyền thông khác đều là phương tiện để Trump đạt mục đích này.
Trong thể thao, chiến lược này được gọi là "mua chuộc trọng tài" và trong chính trị gọi là "định hướng truyền thông". Và quả thật chiến lược này đã mang lại hiệu quả cho Trump, ít nhất là đối với những người ủng hộ ông. Theo một khảo sát gần đây của CBS, 91% người "ủng hộ mạnh mẽ" Tổng thống cho biết họ tin Trump cung cấp thông tin chính xác, chỉ 11% tin tưởng "truyền thông chính thống" và 63% chỉ tin "bạn bè và gia đình".
Cuộc chiến ngôn từ của Tổng thống với truyền thông đã góp phần hình thành nền tảng chống đỡ hiệu quả và bất khả xâm phạm cho ông trước những tin tức tiêu cực. Câu hỏi bây giờ là liệu nền tảng này có đủ để chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới và cuối cùng có giúp Trump tái đắc cử vào năm 2020 hay không.
Huyền Lê