"Trung Quốc hy vọng Anh thực hiện đúng lập trường không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông và không làm bất cứ điều gì gây xáo trộn sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước", Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Ngoại trưởng Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt bên lề cuộc họp của Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ ngày 24/9, theo Reuters.
Bắc Kinh cũng yêu cầu London tôn trọng cái gọi là "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Trung Quốc. Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập đến thỏa thuận thương mại tự do mà hai bên tháng trước đã thống nhất xem xét.
HMS Albion, tàu chiến đổ bộ 22.000 tấn chở một đội thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh, đã đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trong những ngày cuối tháng 8. Albion sau đó cập cảng Sài Gòn, TP HCM hôm 3/9.
Trung Quốc đã phái một tàu khu trục và hai trực thăng để thách thức tàu Anh, nhưng hai bên vẫn giữ bình tĩnh trong cuộc "chạm trán". Một nguồn tin cho biết Albion không đi vào lãnh hải, phạm vi rộng 12 hải lý xung quanh các thực thể trong khu vực, nhưng nhấn mạnh Anh không công nhận yêu sách chủ quyền quá đáng quanh quần đảo Hoàng Sa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo thể hiện sự tức giận khi cáo buộc chiến hạm Anh có hành vi "khiêu khích", "vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế", xâm phạm cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc".
Việc tàu chiến Anh đi gần quần đảo Hoàng Sa diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây ngang nhiên bồi đắp đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, sau đó thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012. Bắc Kinh đã xây dựng một đường băng dài 2.000 m cho mục đích quân sự, cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm.
Phản ứng về hoạt động của tàu chiến Anh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Huyền Lê