Những lời đe dọa lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên gần đây khiến căng thẳng khu vực ngày càng tăng. Trung Quốc lo ngại trong tình huống xảy ra xung đột, hàng triệu người tị nạn Triều Tiên sẽ vượt qua biên giới, dài khoảng 1.420 km, giữa hai nước và những thị trấn vùng biên bị ảnh hưởng bởi phóng xạ.
Người dân Trung Quốc ở khu vực biên giới nhận thấy hoạt động tuần tra gần đây gia tăng, thiết bị theo dõi phóng xạ được triển khai. Họ còn được khuyến cáo không tiếp xúc với người Triều Tiên, AFP đưa tin hôm nay.
Một biểu ngữ màu đỏ được treo trên hàng rào biên giới ở Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, cửa ngõ giao thương giữa Trung Quốc với Triều Tiên, có nội dung cảnh báo "công dân hoặc tổ chức phát hiện hoạt động gián điệp phải báo tin ngay cho các cơ quan an ninh quốc gia".
Phía ngoài Đan Đông, nhà chức trách bố trí nhiều điểm kiểm soát mới trên tuyến đường chạy dọc sông Áp Lục, chia tách Triều Tiên và Trung Quốc. Người dân địa phương cho biết chúng xuất hiện hồi tháng 10/2017.
"Trước đây, người Triều Tiên thường sang phía chúng tôi đánh cá. Giờ họ không dám nữa", Zhang Fuquan nói tại khu nuôi cá của ông trên sông Áp Lục, phía Trung Quốc. "Quân đội tuần tra và theo dõi".
Ở phía đối diện, các binh sĩ Triều Tiên theo dõi tình hình từ các tháp quan sát. Ít nhất một phi cơ bay phía trên lãnh thổ Triều Tiên để giám sát.
"Triều Tiên dường như đang triển khai bay giám sát dọc sông Áp Lục", Rick Fisher, Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế, trụ sở Mỹ, nói. "Họ muốn quan sát những nơi có thể ở phía Trung Quốc", cố tình "khiến Bắc Kinh phải báo động".
Trên đập thủy điện Sup'ung, cung cấp điện cho cả Triều Tiên và Trung Quốc, các máy quay được bố trí để có thể giám sát sông Áp Lục.
Xa hơn về phía bắc, ở thành phố Long Tỉnh, tỉnh Cát Lâm, nơi sông Đồ Môn thường đóng băng vào mùa đông, các ngôi làng đã lập đơn vị bảo vệ biên giới và dạy võ tự vệ cho dân làng. Sở tuyên truyền địa phương cho biết họ đã lắp đặt hàng trăm máy quay vào năm 2017, tạo thành "lớp giám sát biên giới thứ hai".
Nhờ những biện pháp này, số lượng người Triều Tiên đào tẩu sang Trung Quốc, qua Đông Nam Á, rồi tới Hàn Quốc giảm mạnh. Bộ Thống nhất Hàn Quốc ước tính số người Triều Tiên tới Hàn Quốc năm ngoái là chưa đến 100 người một tháng, thấp nhất trong 15 năm.
'Bóng ma' phóng xạ
5 trong số 6 lần thử hạt nhân của Triều Tiên được thực hiện tại bãi thử Punggye-ri dưới núi Mantap, cách biên giới đông bắc Trung Quốc chỉ khoảng 80 km. Người dân khu vực này có thể cảm thấy rung chấn do thử hạt nhân gây ra.
Một số nhà khoa học Trung Quốc và nước ngoài nhận định Mantap, cao 2.200 m có thể sập nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân tại đây. Lo ngại phóng xạ lan tới khu vực biên giới Trung Quốc đang gia tăng.
Sau lần thử hạt nhân thứ sáu của Triều Tiên hồi tháng 9/2017, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã tiến hành giám sát phóng xạ khẩn cấp nhưng không phát hiện điều bất thường.
Tại Đan Đông, nhà chức trách tuần trước đã kiểm tra các thiết bị giám sát phóng xạ để đảm bảo chúng vẫn hoạt động tốt. Nếu có dấu hiệu bất thường, nhà chức trách sẽ cảnh báo người dân ngay lập tức.
Một tờ báo nhà nước ở Cát Lâm tháng 12 dành hẳn một trang để đăng cách phản ứng trong trường hợp chiến tranh hạt nhân hoặc thảm họa hạt nhân xảy ra. "Nếu gần bạn có sông, hồ hoặc ao, hãy nhảy xuống để tự bảo vệ mình", theo tờ báo. Sau đó, "hãy rửa sạch mũi, miệng và lỗ tai".
Tờ New York Times hồi tháng 12 đưa tin Trung Quốc có thể đang xây 5 khu trại tị nạn ở ba làng trong huyện Trường Bạch và hai thành phố Đồ Môn, Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm.
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc dự phòng như vậy là "hoàn toàn hợp lý" do Triều Tiên đang tăng cường nỗ lực phát triển tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn tới Mỹ. Triều Tiên nhiều lần phóng thử tên lửa, khiến căng thẳng với Mỹ gia tăng.
Như Tâm