Bãi đá Scarborough/Hoàng Nham, nơi Trung Quốc và Philippines có vụ tranh chấp chủ quyền từ đầu tháng 4. Ảnh: NASA |
Khi 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trao đổi về vấn đề Biển Đông tại một hội nghị ở Campuchia mới đây, Trung Quốc vẫn cho rằng tranh chấp trên vùng biển này chỉ nên được giải quyết trực tiếp giữa các nước có liên quan.
"Cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao tại Diễn đàn Khu vực ASEAN là một cơ sở quan trọng để xây dựng lòng tin lẫn nhau và tăng cường hợp tác, nhưng đó không phải là nơi phù hợp để bàn về vấn đề Biển Đông", phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói.
Trung Quốc tỏ ý sẵn sàng trao đổi với khối ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhằm giảm các căng thẳng, nhưng lại cho rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng sẽ không thể được sử dụng để giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
"Khi các điều kiện chín muồi, Trung Quốc muốn trao đổi với các nước ASEAN về việc thiết lập COC", AFP dẫn lời ông Lưu Vi Dân nói hôm 9/7. "Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng COC không nhằm giải quyết các tranh chấp, mà nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau và đẩy mạnh hợp tác".
Lưu khẳng định Bắc Kinh không muốn vấn đề này được nêu lên khi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN gặp những người đồng cấp Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và các nước khác tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Phnom Penh ngày mai.
Trước đó, sau Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN hôm qua, chủ nhà Campuchia cho biết các nước thành viên đã thống nhất những điểm căn bản trong dự thảo về COC. Đạt được một bộ quy tắc ứng xử nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông là mục tiêu hàng đầu của ASEAN. Philippines, quốc gia đang trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ba tháng qua trên một bãi cạn, đang đi đầu vận động ASEAN thống nhất lập trường khi bàn COC với Trung Quốc.
Diễn đàn khu vực ARF ngày mai có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Tại Hà Nội hôm qua, bà Clinton nhấn mạnh rằng Mỹ ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong nỗ lực có được giải pháp ngoại giao để làm giảm căng thẳng tại Biển Đông. Mỹ trông đợi các bên đạt được thỏa thuận về COC, bà cho biết.
Cũng tại ARF năm 2010, Clinton từng gây chú ý đặc biệt khi phát biểu rằng Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong thời gian qua, khi ASEAN và Trung Quốc hướng tới việc thông qua bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông, nhiều diễn biến gây lo ngại đã xảy ra trên vùng biển này. Mới đây nhất, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc mời thầu phi pháp tại 9 lô dầu khí nằm trọn vẹn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam trên Biển Đông. Việt Nam cực lực phản đối hành động này, đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ việc làm nói trên. Nhiều học giả và chuyên gia quốc tế cũng nhận định 9 lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Kyodo dẫn nguồn tin của một quan chức ngoại giao Nhật Bản cho hay nước này có thể đề nghị tổ chức cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt giữa Nhật với ASEAN, bàn về hợp tác đảm bảo an ninh hàng hải. Nguồn tin cho biết Ngoại trưởng Nhật Koichiro Genba có thể công bố đề xuất đó trong hội nghị ASEAN với đối tác hôm nay.
Nhật hiện có tranh chấp chủ quyền cùng Trung Quốc đối với nhóm đảo trên biển Hoa Đông, người Nhật gọi là Senkaku còn người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Trong tuần qua, hai bên vừa có các phát biểu qua lại về tranh chấp chủ quyền.
Nhật Nam