Ông Vương Lập Quân. Ảnh: AP |
Theo Telegraph, ông Vương từ chức từ hôm 26/6 nhưng thông tin này chỉ được công bố sau đó 4 ngày bằng một thông báo vỏn vẹn ba dòng trên Tân Hoa Xã.
Việc ông Vương rời ghế Quốc hội Trung Quốc (NPC) là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc đang chuẩn bị cho phiên xét xử đầu tiên của vụ bê bối chính trị lớn nhất nước này hàng chục năm qua. Theo luật pháp Trung Quốc, các đại biểu của NPC chỉ bị truy tố sau khi có ý kiến của quốc hội.
Cựu giám đốc công an thành phố Trùng Khánh là người đã tiết lộ về sự dính líu của bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc, trong cái chết của doanh nhân Anh Neil Heywood tại khách sạn ở Trùng Khánh tháng 11 năm ngoái. Bà Cốc mới đây cũng đã thú nhận giết ông Heywood, theo các nguồn tin thân cận với vụ việc.
Ông Heywood được cho là đã mất mạng sau khi đe dọa tiết lộ về khối tài sản lên đến gần 6 tỷ USD của bà Cốc từ các giao dịch kinh doanh hối lộ và tham nhũng. Số tiền này bà Cốc kiếm được trong suốt thời gian chồng bà giữ chức thị trưởng thành phố Đại Liên và sau đó là Trùng Khánh, hai thành phố phát triển nhanh bậc nhất Trung Quốc.
Vụ việc tiếp tục được mở rộng khi đối tác làm ăn cũ của bà Cốc là Patrick Devilliers, một kiến trúc sư Pháp sống ở Phnom Penh, bị cảnh sát Campuchia bắt giữ theo yêu cầu từ Trung Quốc. Ông Devillers bị thẩm vấn vì bị tình nghi giúp bà Cốc chuyển một lượng tài sản trái phép ra nước ngoài, theo một kế hoạch rửa tiền quy mô lớn.
Vương Lập Quân là người đã tiết lộ về các thông tin quanh cái chết của Heywood khi tìm đến lãnh sự Mỹ ở Thành Đô xin tị nạn hồi tháng hai. Sau sự kiện này ông Bạc Hy Lai bị cách chức. Các nguồn tin thân cận với việc điều tra tiết lộ rằng ông Vương lo sợ cho tính mạng của mình sau khi bày tỏ với ông Bạc về sự nghi ngờ bà Cốc trong cái chết của Neywood. Thái độ thành khẩn hợp tác và tiết lộ toàn bộ vụ việc xảy ra ở Trùng Khánh có thể cứu Vương khỏi tội danh phản quốc và án tử hình.
Anh Ngọc