Mạng tin tức Trung Quốc cho biết tất cả 45 ủy viên vừa được bầu thuộc ba đoàn tự xưng là đại biểu Tây Sa (thực chất là huyện đảo Hoàng Sa, thuộc thành phố Đà Nẵng, Việt Nam), Trung Sa (tên quốc tế là bãi Macclesfield) và Nam Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) đều có mặt tham dự cuộc họp trên.
Theo chương trình, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ nghiên cứu, thảo luận và thông qua báo cáo phân công công tác, dự thảo công tác bầu cử… Đáng chú ý, tin còn nói rằng các đại biểu tại phiên họp lần này cũng sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Thị trưởng đầu tiên của "Tam Sa".
Trước đó, các cơ quan truyền thông Trung Quốc cho biết các cử tri thuộc 15 khu vực bầu cử tại các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) đã đi bỏ phiếu bầu ra 45 đại biểu Hội đồng Nhân dân Khóa I của cái gọi là "Thành phố Tam Sa" do Chính phủ Trung Quốc thành lập bất chấp phản đối của dư luận.
Song song với đó, giới chức quân sự Trung Quốc cũng đã phê chuẩn việc thành lập và triển khai một đơn vị đồn trú tại cái gọi là "thành phố Tam Sa."
Đây là những hành động leo thang liên tiếp, thậm chí là quân sự hóa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Mới đây nhất, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã lên tiếng phản đối quyết định sai trái và phi pháp của phía Trung Quốc khi thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa," làm tổn hại quan hệ hai nước, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Ngày 22/7, Công ty truyền thông mạng liên hợp China Unicom Hải Nam đã đưa vào hoạt động trái phép Trạm thu phát sóng di động (BTS) 3G trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Thông tin này được đăng tải trên nhật báo Hải Nam của Trung Quốc số ra ngày 23/7.
Hôm 19/7, cơ quan khí tượng tỉnh Hải Nam cũng thông báo đã có các thiết bị quan trắc khí tượng bằng radar thế hệ mới trên mặt đất và trên không tại đảo Phú Lâm.
Những hành động liên tiếp này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.
Vietnam Plus