![]() |
Các tàu hải giám của Trung Quốc tại biển Hoa Đông hôm 17/3/2012. Ảnh: Xinhua |
Theo Xinhua, hai tàu của Hải giám Trung Quốc (CMS) vừa tới vùng nước quanh chuỗi đảo mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Toyko gọi là Senkaku sáng nay. Động thái này là nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với chuỗi đảo.
Nguồn tin từ Hải giám Trung Quốc cho hay cơ quan này đã lên một kế hoạch hành động để bảo vệ chủ quyền, đồng thời sẽ có những việc làm cụ thể tùy thuộc vào diễn biến tình hình tại Senkaku/Điếu Ngư.
Đây là phản ứng rõ ràng của Trung Quốc sau khi Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Osamu Fujimura, thông báo quyết định mua ba đảo không người ở trong nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư được thông qua trong cuộc họp của những bộ trưởng liên quan tới kế hoạch mua đảo hôm 10/9. Ông Fujimura khẳng định chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa các đảo để tạo ra môi trường ổn định và an toàn, chứ không muốn chọc giận Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cùng toàn thể nội các của ông sẽ chính thức phê chuẩn quyết định trong hôm nay, AP đưa tin.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng rất nhanh sau thông báo của chính phủ Nhật Bản. Họ khẳng định Bắc Kinh sẽ không ngồi nhìn lãnh thổ của họ bị xâm phạm.
"Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản dừng ngay lập tức hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và quay trở lại bàn đàm phán để giải quyết tranh chấp. Nếu Nhật Bản vẫn tiếp tục hành động, họ sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã triệu tập đại sứ Nhật Bản để phản đối quyết định mua đảo của Tokyo. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hôm qua cũng cảnh báo Nhật Bản về những hậu quả nghiêm trọng của việc Tokyo quốc hữu hóa các đảo tranh chấp.
Quan hệ Trung - Nhật hồi tháng trước xấu đi khi một nhóm người Hong Kong tới một trong các đảo thuộc chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư. Họ bị nhà chức trách Nhật bắt giữ. Vài ngày sau, một nhóm người Nhật kéo quốc kỳ nước này trên chính hòn đảo nói trên, dẫn tới sự phản ứng từ Trung Quốc.
Nhật Nam