Ảnh chụp từ vệ tinh hôm 2/12, đăng tải hôm nay cho thấy đường đi tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri, nơi các chuyên gia nghi ngờ sẽ là địa điểm thực hiện cuộc thử hạt nhân tiếp theo. Viện Mỹ - Hàn, trường Johns Hopkins cho rằng con đường có màu tối vì nhiều xe đi lại làm tuyết tan, và giao thông dường như bị hạn chế ở đường vòng, đường vào hầm và hai tòa nhà hỗ trợ ở khu vực phía nam. Viện nhận định Triều Tiên "có thể thử hạt nhân chỉ hai tuần sau khi đưa ra quyết định". Ảnh: AP |
Những bức ảnh vệ tinh chụp hôm 13/12 cho thấy Bình Nhưỡng đang quyết tâm duy trì trạng thái sẵn sàng ở bãi thử hạt nhân Punggye-ri, AFP dẫn lời viện nghiên cứu Mỹ - Hàn, đại học Johns Hopkins hôm nay cho biết.
Trận lụt lột nặng trước đó đã phá hủy nặng nề cơ sở vật chất, nhưng Triều Tiên nhanh chóng tái thiết lập khả năng vận hành của cơ sở này, viện nghiên cứu Mỹ cho hay trên trang web 38north. "Họ tiếp tục đặt bãi thử ở trong tình trạng sẵn sàng, giúp họ thực hiện một cuộc thử hạt nhân chỉ hai tuần sau khi đưa ra quyết định", viện cho biết.
Trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang thảo luận về những biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa đầu tháng này, nhiều người lo ngại Bình Nhưỡng có thể thực hiện cuộc thử hạt nhân thứ ba.
Tuy nhiên, viện nhận định một dòng nước dường như chảy ra từ lối vào của đường hầm phía nam tại bãi thử. Dòng nước cho thấy có thể có trục trặc gây rò rỉ, ảnh hưởng bất lợi tới thiết bị hạt nhân và bộ phận cảm biến dùng để thu thập dữ liệu và giám sát vụ thử. "Liệu vấn đề này đã nằm trong tầm kiểm soát hay chưa được giải quyết hiện vẫn chưa rõ ràng", viện cho hay.
Mỹ và đồng minh đã kêu gọi trừng phạt nặng đối với Bình Nhưỡng vì vụ phóng tên lửa mà các nước này cho là một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa, vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc sau hai vụ thử hạt nhân trước của Triều Tiên năm 2006 và 2009. Cả hai vụ thử đều được thực hiện sau các vụ phóng tên lửa tầm xa.
Đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, Trung Quốc, đang phản đối bất cứ động thái siết chặt cấm vận nào với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho biết một cuộc thử hạt nhân nữa sẽ là thử thách khó khăn đối với sự kiên nhẫn của Bắc Kinh trước nước láng giềng khó lường.
Trọng Giáp