Kim Hong-gul, chủ tịch Hội đồng Hòa giải và Hợp tác Hàn Quốc và là con trai của cố tổng thống Kim Dae-jung, tiết lộ với SCMP rằng trong chuyến thăm của ông tới Bình Nhưỡng tuần trước, giới chức nước này tỏ ra nôn nóng với việc chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
"Các quan chức Triều Tiên cho biết họ đang giận dữ vì những trì hoãn trong đàm phán chấm dứt chiến tranh bán đảo và thắc mắc liệu có lý do chính đáng cho sự chậm trễ của tiến trình hay không", Kim cho biết. Theo ông, Bình Nhưỡng dường như tin rằng họ đã có những nhượng bộ đáng kể và kỳ vọng nhận được kết quả tương xứng.
"Ban đầu Triều Tiên muốn có một hiệp ước hòa bình, nhưng giờ đây họ lại yêu cầu tuyên bố kết thúc chiến tranh", Kim chia sẻ, nói thêm rằng Bình Nhưỡng muốn tuyên bố này được đưa ra trước nhằm đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa.
Trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4, hai bên cam kết hợp tác trong năm nay để chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) bằng hiệp ước hòa bình thay cho hiệp định đình chiến. Theo Tuyên bố Panmunjom, mục tiêu này sẽ đạt được thông qua đàm phán ba bên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ, hoặc hội nghị bốn bên bao gồm thêm Trung Quốc.
"Triều Tiên cũng phàn nàn rằng Hàn Quốc đang thực hiện quá cứng nhắc lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và có phần thụ động trong việc khôi phục các dự án kinh tế liên Triều", Kim cho biết.
Ông nhận định rằng Bình Nhưỡng không hài lòng với thái độ miễn cưỡng của Seoul trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, kinh tế Triều Tiên trong năm 2017 đã giảm 3,5% so với năm trước đó, mức giảm thấp nhất kể từ năm 1997, chủ yếu do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.
Những ảnh vệ tinh do 38 North công bố đầu tuần cho thấy Triều Tiên dường như đang tháo dỡ một số công trình quan trọng tại bãi phóng vệ tinh Sohae. Kim cho rằng nước này sẽ từ bỏ nhiều hơn khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, dù chỉ một phần.
Ông giải thích việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt tạo cơ sở pháp lý để Bình Nhưỡng thuyết phục người dân rằng họ từ bỏ hạt nhân hoàn toàn nhằm thúc đẩy phát triền kinh tế. Tại một cuộc họp kín tuần trước, Seoul đã đề nghị các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc miễn trừ một số lệnh trừng phạt cho Bình Nhưỡng để tăng tốc các dự án kinh tế liên Triều.
Kim cũng cho rằng Hàn Quốc cần đồng hành với Trung Quốc, thậm chí cả Nhật Bản để nhận được sự hỗ trợ và hợp tác trong tiến trình kiến tạo hòa bình. Khổng Huyễn Hựu, đặc phái viên của Trung Quốc tại bán đảo Triều Tiên, đã bay tới Bình Nhưỡng hôm 25/7 và được kỳ vọng sẽ thay đổi quan điểm của giới chức nước này về cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.
"Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và cuộc gặp Trump – Kim là những thành công ngoại giao lớn, nhưng điều gì xảy ra tiếp theo quan trọng hơn. Chúng ta có nhiều việc phải làm để duy trì tiến trình hòa bình", Kim nói.
Ánh Ngọc