Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang nỗ lực cải thiện nền kinh tế. Ảnh minh họa: AFP |
AFP dẫn thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các thỏa thuận trên bao gồm việc thành lập và tổ chức hoạt động các ủy ban quản lý của các khu kinh tế ở Triều Tiên, cung cấp điện cho một trong số các khu này và hợp tác về nông nghiệp.
Ký kết thỏa thuận là một nội dung trong cuộc gặp cấp cao giữa Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chen Deming và ông Jang Song-Thaek, quan chức hàng đầu của Triều Tiên, cũng là chú của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Jang đang dẫn đầu một đoàn đại biểu Triều Tiên sang Bắc Kinh để tiến hành vòng đàm phán thứ ba về khu kinh tế Hwanggumphyong và Wihwado, và khu thương mại Rason.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên cho hay khu Hwanggumphyong và Wihwado sẽ tập trung vào các lĩnh vực thông tin và du lịch nhằm "trở thành một khu kinh tế sử dụng hàm lượng chất xám cao của Triều Tiên". Hai khu này là hai hòn đảo trên Áp Lục, con sông làm nên biên giới tự nhiên giữa hai quốc gia.
Khu Rason sẽ tập trung vào sản xuất nguyên vật liệu, thiết bị công nghệ cao, may mặc và nông nghiệp tiên tiến. Mục tiêu tương lai của Rason là trở thành "khu sản xuất hiện đại của Triều Tiên, là trung tâm hậu cần quốc tế và trung tâm du lịch khu vực Đông Bắc Á".
Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất và đối tác thương mại chính của Triều Tiên. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc của Triều Tiên càng tăng lên khi Bình Nhưỡng đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế quanh chương trình hạt nhân và tên lửa. Ông Kim Jong-un từng phát biểu trước đoàn quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc sang thăm Bình Nhưỡng tháng này rằng ông đang tìm cách phát triển kinh tế.
Vai trò quan trọng của Trung Quốc đối với Triều Tiên từng được nhấn mạnh bằng 4 chuyến thăm của cố chủ tịch Kim Jong-il trong vòng chưa đầy hai năm cuối đời. Chuyến thăm cuối cùng của ông đến Bắc Kinh là vào tháng 8/2011, ít tháng trước khi ông đột ngột qua đời.
Kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, giới quan sát đang theo dõi từng dấu hiệu nhỏ của đất nước Triều Tiên, với hy vọng nước này sẽ mở cửa và phát triển kinh tế để nâng cao đời sống của người dân. Hiện Triều Tiên vẫn thường xuyên phải nhận viện trợ lương thực từ các tổ chức quốc tế. Mới đây, chính phủ Việt Nam đã quyết định viện trợ cho Triều Tiên 5.000 tấn gạo.
Anh Ngọc