Trưởng phái đoàn Triều Tiên Kim Kye Gwan bắt tay người đồng cấp Mỹ Stephen Bosworth tại vòng đàm phán đầu tiên hôm 28/7 ở New York. Ảnh: Xinhua |
Phái đoàn Triều Tiên, do thứ trưởng ngoại giao Kim Kye Gwan dẫn đầu, tới Geneva hôm 22/10, AFP cho hay. Phái đoàn Mỹ tới sau một ngày, và do đại diện đặc biệt Stephen Bosworth làm trưởng đoàn. Ông Glyn Davies, người sắp thay thế ông Bosworth trong các cuộc đàm phán hạt nhân, cũng có mặt.
Trước cuộc gặp gỡ tại Thụy Sĩ, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay mối quan tâm của Washington lúc này là nếu các bên không tìm được tiếng nói chung, những toan tính sai lầm sẽ xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên, một điều đã nhiều lần xảy ra trong quá khứ.
Tuy nhiên, dù mong muốn đối thoại nhưng Mỹ luôn giữ quan điểm không trở lại đàm phán 6 bên trừ phi Triều Tiên có cam kết rõ ràng về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân. Bất chấp quan điểm của cứng rắn của Mỹ, các nhà phân tích cho rằng dù Triều Tiên bày tỏ mong muốn trở lại đàm phán đa phương, họ sẽ không nhượng bộ trong cuộc gặp ở Geneva.
Dù không hy vọng vào một bước đột phá trong cuộc gặp gỡ hai ngày giữa Mỹ và Triều Tiên, các nhà phân tích nhận xét rằng họ coi sự gắn kết giữa hai nước là một bước phát triển tích cực, và là một cách để ngăn Bình Nhưỡng có những động thái dẫn tới căng thẳng.
Vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2003 với sự góp mặt của nước chủ nhà, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi quá trình đàm phán đang diễn ra, Triều Tiên tuyên bố rút lui vào tháng 4/2009, một tháng trước khi tiến hành cuộc thử vũ khí nguyên tử thứ hai. Tình hình càng căng thẳng với những vụ việc làm 50 người Hàn Quốc thiệt mạng trong năm 2010.
Cơ hội để các bên một lần nữa ngồi lại với nhau chỉ đến vào tháng 7/2011, khi các phái đoàn hạt nhân của Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Bali, Indonesia. Sau đó, Mỹ và Triều Tiên tiến hành vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên tại New York. Hai nước mới đây đã đồng ý nối lại việc tìm kiếm hài cốt của các lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 sau 6 năm gián đoạn, một dấu hiệu cho thấy căng thẳng đang giảm dần.
Nhật Nam