"Các biện pháp cô lập và trừng phạt dai dẳng và nặng nề chống lại Triều Tiên không chỉ cản trở nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy các quyền lợi của trẻ em mà còn đe dọa nghiêm trọng đến quyền được sống của trẻ em", Reuters dẫn lời ông Han Tae-song, đại sứ của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở Geneve, Thụy Sĩ cho biết.
Tại phiên họp với các chuyên gia độc lập của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em vào ngày 20/9, ông Han khẳng định Triều Tiên là "một quốc gia xã hội chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm... nơi việc bảo vệ và thúc đẩy quyền và phúc lợi dành cho trẻ luôn được ưu tiên hàng đầu... Không còn chỗ để cải thiện thêm nữa".
Kể từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đồng thuận áp đặt 9 lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, trong đó lệnh trừng phạt mới nhất có hiệu lực vào đầu tháng này cấm Bình Nhưỡng nhập khẩu nhiên liệu.
Theo ông Han, nhà lãnh đạo Kim Jong-un "đích thân chỉ đạo việc xây dựng các cung thiếu nhi, bệnh viện nhi, nhà ở, trường nội trú tiểu học và trung học cùng nhiều công trình khác ở nhiều khu vực của Triều Tiên với sự tận tụy vì thế hệ tương lai".
Bên cạnh đó, ông Han khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng đang ảnh hưởng xấu tới việc sản xuất thực phẩm dinh dưỡng và sách dành giáo khoa cho trẻ em.
Ủy ban của Liên Hợp Quốc đã chất vấn các quan chức ngoại giao của Triều Tiên liên quan đến các vấn đề như lao động trẻ em cưỡng bức và quyền sử dụng Internet của trẻ em.
Phái đoàn Triều Tiên khẳng định nạn lạm dụng lao động trẻ em ở Triều Tiên không tồn tại và hoàn toàn bị cấm. Trả lời câu hỏi liên quan đến quyền sử dụng Internet, phái đoàn Triều Tiên giải thích việc kiểm soát là nhằm chắt lọc những thông tin có ích cho trẻ nhỏ. Ông khẳng định mọi trẻ em tại quốc gia này đều được tiếp cận mạng Internet nội bộ.
An Hồng