Chính quyền Tổng thống Donald Trump tháng 9/2017 thông báo hủy Chương trình hoãn hành động đối với người nhập cư trái phép lúc còn nhỏ (DACA). Quyết định được tạm hoãn 6 tháng, hạn chót là tháng 3/2018, để quốc hội Mỹ đưa ra giải pháp thay thế lâu dài. Thẩm phán William Alsup, thành phố San Francisco, bang California, hồi tháng 1 ra phán quyết, hiệu lực trên khắp Mỹ, ngăn ông Trump chấm dứt DACA.
Tòa án Tối cao Mỹ hôm nay thông báo từ chối tiếp nhận đề nghị kháng cáo từ chính quyền Trump về phán quyết của Alsup. Tòa án không nêu lý do, chỉ khẳng định đề nghị "bị từ chối một cách không thành kiến", tức là giữ quan điểm mở về DACA, trong lúc tòa cấp dưới xử lý những vụ kiện liên quan, Reuters đưa tin.
Devin O'Malley, người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết chính quyền Trump sẽ tiếp tục bảo vệ thẩm quyền hợp pháp của Bộ An ninh Nội địa, nhằm xóa bỏ DACA một cách có trật tự.
Theo O'Malley, chính quyền Trump "mong muốn có kết quả khác" và cũng hiểu tòa cấp cao sẽ không tiếp nhận đề nghị kháng cáo nếu tòa cấp dưới chưa có phán quyết, "dù gần như chắc chắn phán quyết là Bộ An ninh Nội địa phải duy trì DACA".
Quyết định chấm dứt DACA bị nhiều quan chức tư pháp bang, tổ chức, cá nhân phản đối và đưa ra các tòa án liên bang. DACA có hiệu lực từ năm 2012, dưới thời cựu tổng thống Barack Obama.
DACA bảo vệ cho gần 700.000 người nhập cư trưởng thành đến Mỹ trái phép khi còn nhỏ (Dreamer). Người nhập cư trong diện DACA không bị trục xuất và được phép làm việc tại Mỹ trong vòng hai năm. Hết thời gian này, họ phải nộp đơn xin cấp phép mới. Có khoảng 1,8 triệu người trong số hơn 11 triệu người nhập cư đang sống phi pháp ở Mỹ đủ tư cách tham gia DACA.
Quốc hội Mỹ hiện vẫn chưa thể đưa ra giải pháp thay thế DACA về lâu dài, bao gồm lộ trình cấp quyền công dân cho Dreamer.
Như Tâm