Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: AFP. |
Xin trích giới thiệu cuộc phỏng vấn, đăng trên trang của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
- Financial Times: Hiện có nhiều lo ngại về khả năng suy thoái ở Mỹ và sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu. Nhiều nước châu Á lo ngại về tình hình này. Việt Nam sẽ đối phó với tình hình này như thế nào, và đặc biệt là ngài có nghĩ rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 9% năm 2008, trong bối cảnh đang có những khó khăn nói trên?
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trong năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 50 tỷ USD, chiếm hơn 60% GDP của chúng tôi. Tổng kim ngạch mậu dịch chiếm 160% GDP. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2007 đạt hơn 10 tỷ USD, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi.
Suy thoái kinh tế Mỹ cũng như sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng không tốt tới các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có nền kinh tế Việt Nam. Với sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, tình hình thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó khăn hơn.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8-9% mỗi năm và đã đưa ra những giải pháp lớn sau. Thứ nhất, Việt Nam trở thành một thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một cơ hội để mở rộng các thị trường xuất khẩu, không chỉ sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc mà còn tới các thị trường lớn của Trung Đông và châu Phi. Chúng tôi đang nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 20% trong năm nay. Tôi cho rằng đây là một nhiệm vụ khả thi bởi trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 30%.
- Như vậy là ngài hoàn toàn tin tưởng về tình trạng tổng thể của nền kinh tế Việt Nam, ngay cả khi kinh tế Mỹ suy thoái. Ngài có nghĩ Việt Nam có thể vừa tiếp tục tăng trưởng cao như ngài vừa nhận định, vừa kiểm soát được lạm phát - một mục tiêu quan trọng nữa của Việt Nam?
- Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn nói rằng chúng tôi sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 8-9% mỗi năm bằng chiến lược đa dạng hóa và mở rộng các thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ khuyến khích đầu tư trong nước, khuyến khích đầu tư mạnh từ mọi thành phần kinh tế, kể cả khu vực tư nhân và các doanh nghiệp nhà nước. Chúng tôi cũng khuyến khích đầu tư từ các hộ gia đình, đầu tư của khu vực nhà nước và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư nước ngoài....
Trong năm 2007, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân đạt 8 tỷ USD, là một động lực quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Chúng tôi cũng rất hài lòng với những tiến bộ đáng kể về quan hệ, hợp tác thương mại và đầu tư giữa Anh và Việt Nam. Trong năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều của chúng ta là 1,7 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2006 và năm nay con số này được dự báo sẽ tăng hơn 20%. Về đầu tư của Anh vào Việt Nam, các doanh nghiệp Anh đã đầu tư vào 99 dự án với tổng số vốn gần 1,5 tỷ USD. 50% trong tổng số 1,5 tỷ USD cam kết này đã được giải ngân. Tôi tin có những triển vọng rất hứa hẹn đối với đầu tư của Anh vào Việt Nam trong năm nay và trong những năm tới.
- Đa dạng hóa thương mại, đầu tư trong nước, tất cả đều là những chính sách rõ ràng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Liệu những chính sách này có nguy cơ góp phần gia tăng lạm phát? Làm thế nào Việt Nam có thể giải quyết vấn đề lạm phát đồng thời thực hiện những chính sách thúc đẩy tăng trưởng như ngài đã nói?
- Tôi rất quan tâm tới việc kiểm soát lạm phát. Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng 8-9%, kết hợp với việc kiểm soát lạm phát, không để lạm phát cao ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và sự phát triển.
Gần đây, chúng tôi đã thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất. Tôi nghĩ, điều đó sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp tục các dự án hiệu quả và để loại bỏ các dự án không hiệu quả.
Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn vào bức tranh tổng thể của thế giới với sự suy thoái của kinh tế toàn cầu, giá nguyên vật liệu cao, sự giảm giá của đồng đôla Mỹ và sự dao động của các đồng tiền mạnh khác trên thế giới, cũng như các thảm họa tự nhiên, dịch bệnh, và giá dầu thô cao.
Tất cả những yếu tố này đã ảnh hưởng lớn tới Việt Nam và đẩy giá thực phẩm tăng cao. Đó là những lý do bên ngoài dẫn tới lạm phát cao và ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, từ phía chúng tôi, trong năm 2007 đã có những thiếu sót trong việc quản lý chính sách tiền tệ ở Việt Nam.
Chúng tôi đã tăng tín dụng quá nhanh... Các ngân hàng ở Việt Nam, muốn đạt tăng trưởng cao hơn, do vậy họ nâng mức tăng trưởng tín dụng và tăng các khoản cho vay đối với doanh nghiệp và khu vực tư nhân, do đó đã ảnh hưởng tới việc quản lý tiền tệ ở Việt Nam.
Chẳng hạn cung tiền đã tăng 46% trong năm 2007 so với 2006. Tín dụng tăng 53% trong năm 2007 so với 2006 và căn cứ vào bối cảnh đó, GDP tăng trưởng 8,5%. Nếu chúng ta nhìn vào năm 2006, GDP của Việt Nam tăng 8,2% và cung tiền tăng 26% và tăng trưởng tín dụng là 27%.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP 8-% trong năm nay, chúng tôi sẽ kiểm soát lạm phát bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, khôn khéo để giảm tăng trưởng tín dụng và cung tiền xuống mức dưới 30%.
- Khi khống chế sự tăng trưởng tín dụng quá mức như ngài vừa nói, liệu có nguy cơ rằng sự khống chế đột ngột sẽ gây ra nhiều cú sốc cho hệ thống? Theo tôi hiểu những nỗ lực thắt chặt này đang có ảnh hưởng rất đột ngột đối với hoạt động của các công ty. Ngài có lo ngại về điều đó không?
- Có chứ. Để kiểm soát lạm phát, chúng tôi giảm tăng trưởng tín dụng và cung tiền bằng cách nâng lãi suất cho vay và trong vài tuần qua điều đó cũng đã ảnh hưởng tới đầu tư và phát triển của các công ty tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đây là việc làm đúng... Nó giúp loại bỏ các dự án yếu kém và tăng cường hiệu quả của các doanh nghiệp. Tôi nghĩ tất cả các biện pháp giảm tăng trưởng tín dụng và giảm cung tiền này sẽ không ảnh hưởng tới các dự án tốt.
Đối với chứng khoán và bất động sản, chúng tôi sẽ tiếp tục cho vay để khuyến khích sự phát triển lành mạnh của các thị trường này.
- Nếu ngài cho phép, tôi muốn chuyển sang các vấn đề chính trị. Ngài có nghĩ cần phải dân chủ hóa hơn nữa để Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế? Nếu vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ có thể sẵn sàng tiến hành những loại cải cách nào?
- Trước khi trả lời câu hỏi của các bạn, tôi muốn nói thêm một điều... Chúng tôi đã nỗ lực kiểm soát lạm phát trong năm nay, nhằm đưa nó xuống mức thấp hơn năm 2007.
- Giữ lạm phát ở mức thấp hơn mức 2007?
- Tôi muốn nói là ở mức dưới 12%. Giờ tôi muốn chuyển sang các vấn đề chính trị. Như các bạn biết đấy, Việt Nam đang trong tiến trình cải cách toàn diện... nhằm xây dựng Việt Nam trở thành một đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
Trong 22 năm qua, GDP của chúng tôi đã tăng trưởng 7,5-8% mỗi năm. Chúng tôi đã chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường và chúng tôi đã thành công trong việc hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Thành công nhất đối với Việt Nam là trở thành thành viên của WTO và việc Việt Nam ký kết một loạt hiệp định hợp tác thương mại song phương với hầu hết các nước và các vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong quá khứ, chúng tôi đã theo đuổi mô hình kinh tế của Liên Xô và các nước Đông Âu. Sau 20 năm cải cách, chúng tôi đã đạt được sự tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục... Phúc lợi xã hội đã đến được với người nghèo và người nghèo được hưởng lợi từ sự phát triển. Tỷ lệ đói nghèo trong dân số đã giảm từ 60% trong năm 1993 xuống 14% và Việt Nam cũng đã đạt được hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, thậm chí trước thời hạn.
Chúng tôi đã đạt được sự ổn định về chính trị và xã hội... Nhân dân đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Các cuộc cải cách chính trị đã được tiến hành cùng với cải cách kinh tế và xã hội. Và chúng tôi đã biến Việt Nam thành một quốc gia pháp quyền và một quốc gia của dân, do dân và vì dân. Quyền tối cao thuộc về nhân dân chúng tôi. Chẳng hạn, Quốc hội Việt Nam đại diện cho tiếng nói và quyền lực của nhân dân Việt Nam.
...Tóm lại, tôi muốn nói rằng đổi mới chính trị ở Việt Nam đã được tiến hành liên tục trong những năm qua, cùng với đổi mới kinh tế, xã hội và văn hóa, trong bối cảnh lịch sử của Việt Nam. Mọi người dân Việt Nam luôn nhất trí với đường lối và chính sách của đội ngũ lãnh đạo của chúng tôi và 87 triệu dân Việt Nam đồng lòng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
- Tôi muốn hỏi ngài một câu hỏi cá nhân... Khi ngài nhìn lại tuổi trẻ, ngài có bao giờ nghĩ ngài sẽ trở thành Thủ tướng của một nước Việt Nam thống nhất? Khi ngài nghỉ hưu, ngài mong đợi đạt được điều gì khi làm Thủ tướng của Việt Nam?
- Tôi gia nhập quân ngũ năm 1961 và ở trong quân ngũ cho tới năm 1984. Tôi cũng là một chiến sĩ ở chiến trường miền Nam Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tôi ra trận để giành lại độc lập cho Tổ quốc. Tôi cũng tham gia các chiến dịch giúp nhân dân Campuchia loại bỏ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Khi ở trong quân ngũ, tôi đã bị thương bốn lần. Trên thân thể tôi có hơn 30 vết thương và tôi được xếp hạng thương binh loại hai. Điều đó có nghĩa là tôi đã mất hơn 60% khả năng làm việc.
- Dường như giờ ngài khỏe hơn nhiều!
- Tôi nói về vấn đề này bởi muốn giải thích với các bạn rằng vào thời điểm đó tôi không thể tưởng tượng rằng có thể sống sót hoặc tôi có thể giúp bạn bè Campuchia của chúng tôi loại bỏ chế độ Khmer Đỏ. Và vào thời điểm đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ là Thủ tướng của Việt Nam...
... Là Thủ tướng, trong suốt nhiệm kỳ, cùng với các thành viên của nội các, tôi sẽ làm những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế cao cho Việt Nam, từ 8 tới 9% mỗi năm trong những năm tiếp theo.
Thứ hai, tập trung vào việc cải thiện tiêu chuẩn sống của người dân và cải thiện phúc lợi xã hội, đặc biệt là các hệ thống giáo dục và chăm sóc y tế. Chúng tôi sẽ giảm tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam xuống dưới mức 10%.
Thứ ba, xây dựng Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ mạnh để ngăn chặn và loại bỏ tham nhũng.
Thứ tư, giữ vững ổn định chính trị, cùng với dân chủ cho tất cả mọi người. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tập trung vào nhiệm vụ duy trì quốc phòng và an ninh.
Thứ năm, Việt Nam sẽ là một nền kinh tế thị trường với sự hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam sẽ là một người bạn và đối tác đáng tin cậy với mọi quốc gia và dân tộc trên thế giới, nỗ lực vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Đây là những nhiệm vụ mà tôi và các thành viên trong nội các của tôi sẽ làm và cố gắng thực hiện trong nhiệm kỳ này. Tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể hoành thành những nhiệm vụ đó.
- Đây là những trách nhiệm rất nặng nề. Tôi tự hỏi điều gì khiến ngài thức giấc vào ban đêm, lạm phát hay cúm gia cầm...?
- Với vai trò là Thủ tướng, tôi biết đây là một nhiệm vụ nặng nề song tôi tin chúng tôi có thể thực hiện tất cả các nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi cũng không quá lạc quan song tôi tin rằng Việt Nam có một tương lai tươi sáng.
- Xin cảm ơn ngài Thủ tướng!
(Nguồn: mofa.gov.vn)