Samak nhấn mạnh rằng cuộc đảo chính lần trước diễn ra khi thủ tướng Thaksin Shinawatra khi đó đang có mặt tại trụ sở LHQ nhưng lần này, lịch sử sẽ không lặp lại.
“Tôi sẽ phát biểu tại LHQ và tôi không tin là biến cố sẽ xảy ra như khi Thaksin ở đó. Quân đội sẽ không đảo chính. Họ hiểu rằng cộng đồng quốc tế sẽ không khoan dung với một cuộc đảo chính nữa ở Thái Lan”, ông nói.
Một người thuộc phe chống chính phủ ngồi ăn sáng cạnh đống chướng ngại vật ở tòa nhà chính phủ tại Bangkok. Ảnh: AP. |
Nền dân của Thái Lan vốn có lịch sử đầy thử thách vì đã trải qua 18 cuộc đảo chính kể từ khi nước này chuyển sang chế độ quân chủ nghị viện năm 1932.
Samak chỉ trích việc những người biểu tình đã phớt lờ sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp mà ông ban bố hồi tuần trước. Những người phản đối chính phủ dựng lều bạt và sân khấu cùng nhà vệ sinh di động ngay trong khuôn viên dinh thủ tướng. Họ tuyên bố sẽ không rút lui cho tới khi Samak từ chức.
Lệnh tình trạng khẩn cấp của Thái cho phép sử dụng vũ lực để lập lại trật tự. Tuy nhiên, người đứng đầu quân đội nước này từ chối buộc người biểu tình ra khỏi tòa nhà chính phủ. Chính động thái đó khiến người ta suy đoán rằng có sự rạn nứt giữ thủ tướng và quân đội. Samak cho rằng tin đồn đó là ngu xuẩn và không có căn cứ.
Các cuộc biểu tình rầm rộ tại Bangkok nổ ra từ tuần trước do PAD tổ chức. Liên minh này giải thích họ xuống đường để phản đối chính phủ đương nhiệm và yêu cầu Thủ tướng Samak Sundaravej từ chức. Họ cáo buộc ông Samak là con rối và đang điều hành Thái Lan thay cho cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
Đương kim thủ tướng Thái Lan còn bị cáo buộc đã sửa đổi hiến pháp nhằm giúp Thaksin tránh được hàng loạt các tội danh tham nhũng, đồng thời chỉ trích chính phủ không chịu truy tố Thaksin đến cùng bằng cách dẫn độ ông này từ Anh về nước xét xử.
Ngọc Sơn (theo AFP)