Trước thời điểm Việt Nam chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị cấp cao về Tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV) lần thứ 10 tại Hà Nội ngày 30-31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay có bài viết nêu rõ ba điểm quan trọng của hợp tác ở khu vực này.
Lãnh đạo Việt Nam khẳng định hợp tác Mekong giúp thúc đẩy kết nối khu vực. Các khuôn khổ hợp tác của Mekong thực chất là cơ chế phối hợp chính sách, là diễn đàn để các nước củng cố lòng tin, tăng cường đối thoại để cùng nhau xử lý các thách thức chung, trên cơ sở hài hoà lợi ích các bên mà nỗ lực riêng lẻ của từng nước hoặc hợp tác song phương không thể giải quyết được.
Nếu trong giai đoạn đầu, hợp tác chỉ tập trung trong nội bộ các nước ven sông thì đến nay đã mở rộng thêm nhiều cơ chế hợp tác giữa các nước Mekong với các đối tác lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Các đối tác phát triển quan tâm đến khu vực này do vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở đây. Trong khuôn khổ GMS, các quốc gia và các đối tác phát triển đã huy động khoảng 21 tỷ USD cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại 6 nước thành viên. Trung Quốc có kế hoạch sẽ đầu tư khoảng 10 tỷ USD cho tiểu vùng, nhất là các dự án kết nối giao thông tuyến Bắc – Nam. Trung Quốc cũng cam kết đóng góp 300 triệu USD cho Quỹ đặc biệt hợp tác Mekong – Lan Thương cùng nhiều khoản vay ưu đãi và tín dụng bên mua.
Thủ tướng cho rằng hợp tác Mekong đang được triển khai ở Việt Nam có nhiều lợi ích cụ thể. Hợp tác này không chỉ góp phần tạo môi trường hoà bình thuận lợi ở khu vực, mà còn đóng góp cho sự ổn định và phát triển của Việt Nam. Thủ tướng khẳng định khu vực Mekong là "không gian an ninh và phát triển trực tiếp của Việt Nam".
Tính đến tháng 12/2017, riêng các dự án hợp tác hướng đến mục tiêu kết nối trong khuôn khổ GMS tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng 6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng số các khoản huy động của GMS. Việc Việt Nam tham gia các khuôn khổ hợp tác Mekong đã giúp tạo thêm kênh đối thoại với các nước trong lưu vực sông Mekong và thu hút sự quan tâm, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các đối tác phát triển về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước ở đây. Bên cạnh cơ chế Uỷ hội sông Mekong quốc tế (MRC), Việt Nam cũng phối hợp cùng các nước triển khai hợp tác bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước tại các khuôn khổ hợp tác Mekong khác.
Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là một thành viên chủ động và tích cực trong hợp tác Mekong. Trong việc quản lý nguồn nước ở Mekong, Việt Nam cùng với các nước thành viên MRC đàm phán và hoàn thành các quy định và thủ tục về chia sẻ số liệu, giám sát sử dụng nước hiện tại. Các bên cũng thống nhất việc thông báo và trao đổi ý kiến trước về sử dụng nước, duy trì dòng chảy trên dòng chính sông Mekong để cụ thể hóa Hiệp định Mekong và trách nhiệm của các nước thành viên trong việc bảo vệ nguồn nước.
Trong hợp tác Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS), Việt Nam là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng về việc thành lập nhóm công tác về môi trường, soạn thảo Kế hoạch hành động và đồng chủ trì nhóm công tác. Việt Nam đóng vai trò chủ trì hợp tác về môi trường trong hợp tác Hạ nguồn Mekong - Mỹ, tham gia sáng kiến "Một thập kỷ Mekong Xanh" trong hợp tác Mekong - Nhật Bản. ACMECS là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Việt Nam cũng tham gia tích cực vào hợp tác nguồn nước trong cơ chế Mekong - Lan Thương, cùng Trung Quốc, Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Lào. Đây là cơ chế hợp tác được hình thành từ tháng 11/2015.
Trong khuôn khổ CLV, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển của Lào và Campuchia hơn 100 dự án với tổng vốn đăng ký là hơn 3,8 tỷ USD, phương châm hợp tác là kết hợp vốn, kỹ thuật và thị trường của Việt Nam với lao động và tiềm năng đất đai của hai nước bạn.
"Các cơ chế hợp tác tại khu vực Mekong có ý nghĩa quan trọng và phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việt Nam có khả năng và điều kiện tốt hơn khi tham gia hợp tác này nhằm phát triển kinh tế xã hội và đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Khánh Lynh