"Họ mong đợi chuyến thăm của Thủ tướng, điều mà họ miêu tả là cuộc gặp giữa những người bạn cũ", SCMP dẫn lời Daim Zainuddin, đặc phái viên của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, đề cập tới chuyến thăm của lãnh đạo 93 tuổi tới Bắc Kinh vào tháng 8.
Daim, người từng giữ chức bộ trưởng tài chính trong nhiệm kỳ đầu tiên của Mahathir từ năm 1981 tới 2003, cho biết Trung Quốc "đã thảo luận những điều họ muốn đạt được trong chuyến thăm của Mahathir" và ông đã truyền đạt lại với Thủ tướng Malaysia.
Mahathir dự kiến tới Bắc Kinh vào tháng 8 trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên kể từ khi nhậm chức, nhưng chưa công bố thời gian chính xác. Daim được Mahathir cử đến Bắc Kinh hồi đầu tháng để đàm phán lại những thỏa thuận mà Thủ tướng Malaysia cho là quá đắt đỏ và không công bằng.
"Tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất tốt và sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này vì lợi ích chung", đặc phái viên 80 tuổi cho biết.
Những bình luận của Daim dường như là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính phủ Mahathir muốn nhanh chóng xóa bỏ những nghi vấn về "động cơ chính trị" liên quan đến quyết định đình chỉ thi công các dự án của nhà thầu Trung Quốc trị giá 23 tỷ USD ở nước này.
Mahathir từng nhấn mạnh ông đưa ra quyết định hoàn toàn dựa trên các yếu tố kinh tế. Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho rằng động thái này nằm trong chiến lược thể hiện sự cứng rắn với Bắc Kinh của Kuala Lumpur. Daim khẳng định giới quan sát đã hiểu lầm và đánh giá sai tình hình.
"Sự tôn trọng lẫn nhau rất quan trọng. Chúng tôi trân trọng tình hữu nghị giữa hai bên. Với tư cách là các nước châu Á, chúng tôi tôn trọng sự khác biệt về văn hóa và thấu hiểu suy nghĩ của nhau. Đôi khi chúng tôi chấp nhận bất đồng mà không làm tổn hại mối quan hệ lâu dài này", Daim nói.
Đặc phái viên cũng đề cập tới quyết định đình chỉ dự án đường sắt bờ biển phía đông (ECRL) do Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) phụ trách. Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng từng phát biểu dự án này sẽ chỉ được tiến hành nếu nhà thầu đồng ý "giảm giá mạnh".
Lim và các quan chức chính phủ khác cho rằng cựu thủ tướng Najib Razak quá nhún nhường khi đàm phán với các công ty Trung Quốc, cho phép họ báo giá cao hơn thị trường và đề ra các điều khoản đi ngược với lợi ích quốc gia của Malaysia. Chẳng hạn như hợp đồng ECRL bao gồm một khoản trả trước, hay còn gọi là "phí huy động", mà chính phủ Malaysia cho rằng cao hơn mức chung của ngành.
Sau khi đánh bại Najib trong cuộc bầu cử hôm 9/5, Mahathir đã tìm cách giảm bớt ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Malaysia bằng cách đánh giá lại các dự án đầu tư. Ông cũng có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông.
Ánh Ngọc