Người đứng đầu chính phủ hôm nay cho biết mặc dù hoà bình, hợp tác là xu thế chính của thời đại, nhưng hiện nay có nhiều tiềm ẩn khó lường, việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên xảy ra ở nhiều khu vực. Đặc biệt là tình hình Biển Đông, không loại trừ hoàn toàn xung đột giữa các bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong Hội nghị tổng kết công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt - Lào tại Hà Nội. Tham dự hội nghị có đại diện của 10 tỉnh biên giới giáp Lào.
Nhắc đến việc Việt Nam và Lào hoàn thành việc tăng dày và tôn tạo hệ thống hơn 1.000 cột mốc và cọc dấu trên đường biên hơn 2.300 km, Thủ tướng khẳng định đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự thống nhất cao, thể hiện tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên.
"Công trình này là biểu tượng sinh động của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai nước, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của hai bên", Thủ tướng nói.
Về mặt quốc gia và quốc tế, Việt Nam và Lào có đường biên giới rõ ràng, chính xác, vĩnh viễn. Thành quả này góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, củng cố an ninh trật tự, đảm bảo quốc phòng ở biên giới hai nước.
Lãnh đạo Việt Nam cho rằng trong bối cảnh đó, việc xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới quốc gia nói chung phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng của đất nước và giữ vững ổn định để bảo vệ hoà bình trong khu vực.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành thực hiện nghiêm túc quan điểm của Việt Nam về quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia, cho rằng đây là việc rất quan trọng trong giữ quan hệ ổn định, bền vững với các nước láng giềng. Người đứng đầu chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành tăng hợp tác với Lào về thương mại, đầu tư và du lịch ở biên giới, trong đó có đẩy mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông của các địa phương ở biên giới.
Ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, cho biết Việt Nam và Lào đã cắm 834 cột mốc chính tại 792 vị trí theo như kế hoạch ban đầu, đồng thời cắm bổ sung 168 cọc dấu tại 113 vị trí để làm rõ thêm đường biên giới ở một số khu vực. Tổng số mốc trên toàn tuyến tăng gấp 4,5 lần so với trước, trung bình khoảng 2,6 km có một vị trí mốc hoặc cọc dấu.
Hai nước đã lập bộ bản đồ đường biên giới quốc gia với tỷ lệ 1/50.000 thể hiện toàn bộ thành quả giải quyết biên giới. Các mốc quốc gia và cọc dấu có tọa độ địa lý được đo bằng máy GPS hai tần số, mô tả chi tiết hướng đi của đường biên giới và địa hình đường biên giới đi qua theo hướng từ Bắc xuống Nam. Đường biên giới Việt - Lào dài hơn 2.300 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Lào.
Khánh Lynh