"Tôi muốn nhắc những ai có kế hoạch biểu tình phản đối rằng chuyến đi của tôi là một vinh dự đối với chính phủ của họ", AFP hôm nay dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu. "Nếu họ đốt hình nộm của tôi... Tôi sẽ đuổi theo vào tận nhà và đập cho họ một trận".
Hàng trăm người Campuchia sống ở Australia dự định tổ chức biểu tình phản đối khi Thủ tướng Hun Sen tới thành phố Sydney dự hội nghị thượng đỉnh giữa Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Australia vào giữa tháng ba.
Thủ tướng Hun Sen đồng thời dọa sẽ làm Australia "xấu mặt" và ngăn hội nghị thượng đỉnh ra thông cáo chung nếu chính phủ nước này gây sức ép chính trị với ông. "Nếu anh đối xử với tôi không đúng mực, tôi sẽ trả đũa và khiến anh xấu mặt ngay tại trận", ông Hun Sen tuyên bố.
Campuchia từng dùng quyền phủ quyết để ngăn ASEAN ra tuyên bố chung vào năm 2012. Lúc bấy giờ, ngoại trưởng các nước trong khối ASEAN lần đầu tiên không ra được thông cáo chung sau khi kết thúc cuộc họp thường niên. Philippines cho rằng nước chủ nhà Campuchia đã có động thái ngăn cản ASEAN ra tuyên bố chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông. Campuchia cũng bị cáo buộc đã tác động để ASEAN giảm nhẹ việc lên án Trung Quốc trong một tuyên bố tại hội nghị năm 2016.
Cuối năm ngoái, Toà án Tối cao Campuchia ra phán quyết giải thể đảng đối lập Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP). Trước đó, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen nộp đơn lên tòa án, cáo buộc đảng đối lập thông đồng với người nước ngoài để lật đổ chính phủ. Trong đơn kiện, các luật sư viện dẫn đoạn video năm 2013, trong đó ông Kem Sokha, lãnh đạo đảng CNRP, nói chuyện về kế hoạch chiếm quyền lực với sự trợ giúp từ người Mỹ.
Mỹ và Liên minh châu Âu tuyên bố không ủng hộ cuộc tổng tuyển cử vào tháng 6 của Campuchia sau quyết định giải thể đảng CNRP. Là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Campuchia, Trung Quốc đã hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này 11 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương trong năm nay.
An Hồng