"Nếu trạng thái hiện tại của Jerusalem bị thay đổi và có thêm một bước đi khác... đó sẽ là thảm họa lớn", AFP dẫn lời Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết trong cuộc họp báo hôm nay.
Theo ông Bozdag, động thái trên "sẽ phá hủy hoàn toàn tiến trình hòa bình mỏng manh tại khu vực và dẫn đến những cuộc xung đột, tranh chấp, bất ổn mới".
Trạng thái của Jerusalem là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong cuộc xung đột kéo dài giữa Palestine và Israel.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần này dự kiến có quyết định về việc có coi Jerusalem là thủ đô của Israel hay không. Nếu có, đây sẽ là động thái đi ngược lại chính sách của Mỹ suốt nhiều năm nay, khiến Nhà nước Palestine và cộng đồng các nước Arab phản ứng mạnh mẽ.
Hầu hết cộng đồng thế giới, trong đó có Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, không chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nhấn mạnh vấn đề chỉ có thể giải quyết thông qua đàm phán. Mỹ hiện đặt đại sứ quán tại thành phố Tel Aviv, Israel.
Ông Bozdag hôm nay còn mô tả quyết định của Mỹ về trạng thái Jerusalem là bước đi không có lợi "cho cả Israel lẫn khu vực". "Không có lợi. Thay vì mở ra những cánh cửa mới, động thái đó có thể đẩy khu vực vào một thảm họa", ông Bozdag cảnh báo.
Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, đặc biệt là ở khu vực Đông Jerusalem. Israel chiếm khu vực trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước tương lai.
Theo thỏa thuận hòa bình Israel - Palestine năm 1993, trạng thái cuối cùng của Jerusalem sẽ được thảo luận tại những vòng cuối cùng trong đàm phán hòa bình.
Như Tâm