Thái tử Philippe và Công nương Mathilde của Vương quốc Bỉ. Ảnh: Washington Post |
Tháp tùng Thái tử Philippe là Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Didier Reynders, 3 bộ trưởng khu vực, cùng phái đoàn doanh nghiệp cấp cao gồm 300 doanh nhân đang hoạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như quản lý nước và chất thải, giao thông vận tải, cảng, hậu cần, công nghệ vũ trụ và y tế. Phái đoàn kinh tế Bỉ tới Việt Nam với sứ mệnh thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước về mặt kinh tế, giao thương, hợp tác công nghệ.
Trong một tuần lưu lại Việt Nam, phái đoàn kinh tế Bỉ sẽ thăm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với rất nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế, xã hội và hợp tác công nghệ giữa hai nước. Đây là một dịp tuyệt vời cho các công ty Bỉ khám phá những cơ hội kinh doanh mà thị trường Việt Nam có thể cung cấp, đồng thời cũng là dịp để các công ty Việt Nam có cơ hội gặp gỡ những đối tác kinh doanh đầy tiềm năng và đáng tin cậy.
Thái tử Philippe và các vị bộ trưởng tháp tùng sẽ có các cuộc họp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các bộ trưởng giao thông vận tải, tài chính. Họ sẽ thăm khu công nghiệp Đình Vũ ở Hải Phòng, một dự án kinh tế rất thành công trong mối quan hệ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam. Thái tử Philippe còn tham dự buổi ký kết giữa các công ty, các trường đại học, các tổ chức của Bỉ và Việt Nam.
Trong khi đó, Công nương Mathilde, phu nhân của Thái tử Philippe, sẽ tập trung chủ yếu vào hoạt động xã hội, như chương trình "y tế thực hành trong gia đình", hay các hoạt động xung quanh chủ đề "nông nghiệp bền vững". Công nương cũng tham gia vào một dự án được tổ chức bởi UNICEF (nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em chống lại HIV/AIDS), và dự án "Giáo dục cho mọi người" dành cho các trẻ em khiếm thính.
Đặc biệt, Thái tử Philippe, Công nương Mathilde và các vị bộ trưởng sẽ cùng tham gia buổi hội đàm "Công nghệ không gian và xã hội", có nội dung thảo luận về các lợi ích của công nghệ không gian cho xã hội. Cặp đôi hoàng gia Bỉ cũng sẽ tham gia vào các hoạt động văn hoá tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, được tổ chức bởi hội cựu sinh viên Việt Nam đã từng theo học tại các trường đại học Bỉ.
Việt Nam và Bỉ đã có mối quan hệ giao thương kinh tế, hợp tác tốt đẹp gần 40 năm qua.
Bỉ có diện tích nhỏ và ít dân, nhưng lại có nền kinh tế phát triển lớn mạnh, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới, với GDP đạt hơn 460 tỷ USD trong năm 2010. Bỉ xếp hạng thứ 12 trên thế giới về mặt nhập khẩu và đứng thứ 4 về mặt thu hút nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 62 tỷ USD trong năm 2010. Với vị trí chiến lược, dễ dàng tiếp cận hơn 500 triệu người tiêu dùng châu Âu, cùng một lực lượng lao động chất lượng cao, môi trường kinh doanh thân thiện, và chất lượng cuộc sống đạt tiêu chuẩn cao, Bỉ được đánh giá là một địa điểm rất hấp dẫn để đầu tư.
Bỉ và Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị chính thức vào năm 1973. Kể từ đó, thương mại giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng đạt mức hơn 1 tỷ USD trong năm 2011, tăng gấp đôi so với thập kỷ trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Bỉ sang Việt Nam bao gồm hóa chất, thuốc, thiết bị máy móc, sắt thép và các kim loại khác. Bỉ nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng giầy dép, dệt may, rau củ. Thâm hụt thương mại của Bỉ và Việt Nam đang ngày càng thu hẹp lại.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ các công ty Bỉ vào Việt Nam hiện nay khoảng 108 triệu USD, chủ yếu tại các lĩnh vực quan trọng như phát triển cảng, công nghiệp thực phẩm, sản phẩm hóa chất và dược phẩm, đá quý và chế tác đá tự nhiên, hàng da thuộc và hệ thống chiếu sáng công cộng. Tuy nhiên, số vốn đầu tư từ các công ty Bỉ sẽ lớn hơn nhiều nếu tính luôn các khoản đầu tư từ các chi nhánh tại Hong Kong, Singapore của các công ty Bỉ. Gần đây, Bỉ đang cam kết tăng nguồn tài trợ ODA cho Việt Nam. Bỉ hiện đóng góp khoảng 25 triệu USD mỗi năm, chủ yếu trong các lĩnh vực như quản lý nguồn nước, giáo dục và học bổng hỗ trợ phát triển năng lực. Trong tương lai, Bỉ cũng sẽ chú trọng vào việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam khởi nghiệp.
Các công ty Bỉ quan tâm đến việc tiếp tục phát triển và tăng cường các hoạt động của họ tại Việt Nam, và đang chú trọng đến các lĩnh vực như ngành công nghiệp kim cương, dịch vụ cảng, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ cao, y tế và ngành công nghiệp thực phẩm.
Phan Lê