Chuyến bay đầu tiên hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bangkok sau một tuần tê liệt hôm 3/12. Ảnh: AFP. |
"Chúng tôi rất tiếc chuyện đó đã xảy ra và sẽ không để nó tái diễn", Abhisit phát biểu trước các đại diện ngành du lịch hôm qua, chỉ hai ngày sau khi ông được quốc hội bầu làm thủ tướng thứ 27 của Thái Lan. Ông cũng cam kết sẽ thúc đẩy kinh tế và nỗ lực hòa giải dân tộc.
Abhisit thừa nhận rằng việc người biểu tình làm tê liệt các sân bay đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước. "Tôi sẽ khôi phục lại hình ảnh của Thái Lan với bạn bè quốc tế", ông nói.
Hàng nghìn người ủng hộ Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) đã chiếm sân bay quốc tế và nội địa Bangkok, khiến hoạt động hàng không tại thủ đô Thái Lan tê liệt suốt hơn một tuần. Khoảng 350.000 người bị mắc kẹt tại nước này và ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch.
Giới chức du lịch Thái ước tính rằng lượng khách du lịch đến nước này sẽ giảm một nửa vào năm tới. Lượng khách đặt phòng khách sạn cũng giảm đáng kể sau khi hình ảnh du khách ăn trực nằm chờ ở sân bay và cảnh đụng độ giữa hai phe ủng hộ và phản đối chính phủ được chiếu trên truyền hình.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng thiệt hại của sân bay Suvarnabhumi có thể từ 3,7 tỷ USD đến 6 tỷ USD. Ngành công nghiệp tổ chức hội nghị chuyên nghiệp ở Bangkok cũng chịu tổn thất khoảng 310 triệu USD. Tăng trưởng GDP của Thái Lan năm nay có thể sẽ giảm từ 4,5% như ước tính xuống còn 4%, mức thấp nhất trong 7 năm qua
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan bắt đầu kể từ sau khi Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính không đổ máu khi ông đang công du nước ngoài hồi tháng 9/2006. Kể từ đó, các cuộc biểu tình liên miên do phe đối lập lãnh đạo khiến hai đời thủ tướng nữa phải ra đi.
Ngọc Sơn (theo AFP)