Những người ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin tuần hành tại Bangkok hôm 13/12. Ảnh: AP. |
An ninh tại Bangkok được thắt chặt để chuẩn bị cho phiên họp bất thường. Khoảng 1.200 cảnh sát được triển khai bên ngoài tòa nhà quốc hội tại Bangkok để đề phòng các cuộc tuần hành nổ ra.
Đảng Dân chủ đối lập tuyên bố họ giành được đủ sự ủng hộ để thành lập chính phủ mới và lãnh đạo đảng này, ông Abhisit Vejjajiva, sẽ lên làm thủ tướng. Tuy nhiên, các cuộc vận động vào phút cuối và việc một số nghị sĩ thay đổi ý định khiến kết quả chính thức chỉ có sau cuộc bỏ phiếu.
Sukhum Nuansakul, nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Ramkhamhaeng, cho rằng đảng Dân chủ sẽ chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu này nhưng thời kỳ yên ổn sau đó cũng sẽ không kéo dài. "Vấn đề cơ bản vẫn không giải quyết được. Nếu đảng Dân chủ chiến thắng, các nhóm ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin sẽ lại tổ chức biểu tình trên phố", ông dự đoán.
Đảng Puea Thai, gồm đa số các thành viên cũ của PPP, những người thân với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, vẫn khẳng định họ có ít nhất 220 ghế trong Hạ viện. Phát ngôn viên đảng này là Pormpong Nopparit cho biết họ sẽ bổ nhiệm một trong 5 ứng viên từ các đảng nhỏ trong liên minh làm thủ tướng.
Người dân Thái đang mong mỏi giải pháp chính trị sẽ giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài suốt 6 tháng qua bởi các cuộc biểu tình liên miên của phe đối lập.
Khủng hoảng chính trị tại Thái Lan bắt đầu từ khi cựu thủ tướng Thaksin bị lật đổ hồi tháng 9/2006. Kể từ đó, các cuộc biểu tình liên minh do PAD lãnh đạo khiến hai đời thủ tướng nữa phải ra đi. Hiện tại, Thái Lan đang được chính phủ lâm thời điều hành và chờ quốc hội nhóm họp chọn ra thủ tướng mới.
Ngọc Sơn (theo AP, AFP)