Bà Doãn Hải Hồng, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam hôm nay chủ trì cuộc họp báo tại Hà Nội, thông báo về chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc sau kỳ họp quốc hội của nước này và tiến triển quan hệ với Việt Nam. Cuộc họp báo có khoảng 15 phóng viên Việt Nam và gần 10 phóng viên Trung Quốc, không có báo chí nước khác.
Sau kỳ họp khóa 13 quốc hội Trung Quốc giữa tháng 3/2018, nước này có ban lãnh đạo mới. Ông Tập Cận Bình tái đắc cử chức chủ tịch nước, ông Vương Kỳ Sơn, cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, được bầu giữ chức phó chủ tịch nước.
Theo bà Doãn, trong bối cảnh nhiều người đặt nghi vấn Trung Quốc muốn bá quyền, muốn dùng vũ lực để thay đổi trật tự thế giới, Bắc Kinh đã đưa ra chính sách đối ngoại, nêu rõ "nước lớn có trách nhiệm với cộng đồng thế giới, duy trì việc phát triển hoà bình, hợp tác cùng có lợi với các nước khác".
Nói đến ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong 2018, bà Doãn cho hay Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì việc trao đổi đoàn giữa lãnh đạo cấp cao hai bên, hướng tới việc nâng cao hiệu quả hợp tác, đẩy mạnh các lĩnh vực như đầu tư, sản xuất, du lịch, giao lưu nhân dân.
"Việt Nam là nước láng giềng gần gũi, Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam", bà Doãn nói.
Đại biện Trung Quốc nhắc lại việc Chủ tịch nước này Tập Cận Bình hồi tháng 11/2017 chọn Việt Nam là nước đầu tiên đi thăm sau Đại hội đảng lần thứ 19, ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm Việt Nam tháng 3/2018, sau khi Trung Quốc có ban lãnh đạo mới. Điều đó thể hiện Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái giữa Việt Nam và Trung Quốc vượt 100 tỷ USD. Nếu hai bên nỗ lực thì con số này có thể tăng gấp đôi hoặc tăng vài lần, theo bà Doãn.
Trước các câu hỏi về tranh chấp trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, bà Doãn cho hay trước khi tranh chấp được giải quyết, hai bên tìm các biện pháp mang tính quá độ là hợp tác trên biển hoặc khai thác chung. Đại biện Trung Quốc nhắc lại việc nước này muốn "giải quyết vấn đề với các nước trực tiếp liên quan đến tranh chấp", "không muốn các bên hữu quan có biện pháp làm phức tạp hoá tình hình trên biển".
Theo một số nước và tổ chức nghiên cứu quốc tế, Trung Quốc đã hoàn thành việc cải tạo phi pháp 7 đá ở Biển Đông, biến chúng thành các đảo nhân tạo và xây dựng nhiều công trình trái phép. Bắc Kinh cũng bố trí nhiều thiết bị quân sự như tên lửa, chiến đấu cơ, radar ở các căn cứ này.
Nói về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán xây dựng, bà Doãn cho biết khuôn khổ này đã hoàn tất năm 2017 và tin hai bên có thể xử lý vấn đề phù hợp với tình hình khu vực "nếu như không có tác động từ bên ngoài".
Giải thích các hành động trên biển Đông của Trung Quốc, bà Doãn cho biết Bắc Kinh "thực hiện theo quyền lợi và theo luật pháp quốc tế, không nhằm vào Việt Nam hay nhằm vào các nước láng giềng".
Về cuộc tập trận của Trung Quốc ở 7 điểm gần đảo Hải Nam từ ngày 11/4 đến 13/4, bà Doãn nói Trung Quốc "có hành động tăng cường năng lực bảo vệ hoà bình, đó là điều dễ hiểu".
Cục Hải sự Trung Quốc hôm 10/4 thông báo về cuộc tập trận ở 7 điểm thuộc Biển Đông. Trước đó, các hình ảnh vệ tinh của Planet Labs chụp hôm 26/3 cho thấy hàng chục tàu hải quân cùng tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận ở gần đảo Hải Nam trong cuộc tập trận không quân và hải quân quy mô lớn. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết việc này nằm trong "hoạt động huấn luyện thường xuyên" và các hoạt động tập trận sẽ tiếp tục.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/4 khi thị sát cuộc tập trận trên Biển Đông đã kêu gọi hiện đại hóa hải quân Trung Quốc thành "lực lượng dẫn đầu thế giới". Giữa năm ngoái, ông Tập đã tuyên bố hải quân nước này cần tăng cường sức mạnh và quyết đoán hơn ở các vùng biển tranh chấp. Các chuyên gia quân sự dự đoán tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc tự đóng sẽ đi vào hoạt động năm 2020 và Bắc Kinh sẽ sở hữu một hạm đội tàu chiến uy lực này vào năm 2035.
Các nhà phân tích đánh giá lãnh đạo Trung Quốc đưa ra yêu cầu tăng cường sức mạnh hải quân trong bối cảnh các cuộc xung đột quy mô lớn nhiều khả năng sẽ diễn ra trên biển, khi Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với một loạt quốc gia láng giềng. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ Trump có cách tiếp cận khó đoán trong các vấn đề nhạy cảm như Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc đang cố gắng rút ngắn khoảng cách với hải quân Mỹ.
Theo Đại biện Trung Quốc, nước này mong Việt Nam tham gia sáng kiến Vành đai - Con đường ở khía cạnh kết nối đường sắt, kết nối tàu container khu vực Âu Á và sang châu Âu.
"Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN giáp với Trung Quốc ở đất liền và trên biển, vì thế tăng cường hợp tác chiến lược với Việt Nam rất có ý nghĩa", bà Doãn nói.
Vành đai Con đường là sáng kiến mà Trung Quốc đưa ra từ 2013, là dự án liên kết cơ sở hạ tầng đi qua hơn 60 nước. Sáng kiến này dựa trên ý tưởng hồi sinh Con đường tơ lụa từng kết nối Trung Quốc với Trung Á, châu Âu và rộng hơn. Giới quan sát từng đánh giá Trung Quốc khi hỗ trợ các nước xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng cường hợp tác kinh tế, Bắc Kinh sẽ gia tăng ảnh hưởng của mình ở phạm vi rộng lớn trên thế giới.
Việt Anh