![]() |
Ratko Mladic xuất hiện tại tòa án ở Belgrade, Serbia. Ảnh: AP. |
Các quan chức muốn trục xuất cựu chỉ huy quân đội Bosnia về tòa án tội ác chiến tranh tại The Hague, Hà Lan. Ông này đối mặt với nhiều cáo buộc, trong đó có tội diệt chủng vì đã giết 7.500 đàn ông và con trai đạo Hồi người Bosnia ở Srebrenica năm 1995.
Sau vụ bắt giữ Radovan Karadzic năm 2008, Mladic trở thành nghi phạm chiến tranh Bosnia bị quốc tế truy nã gay gắt nhất. Serbia đã chịu sức ép gia tăng của thế giới để bắt ông và nộp cho tòa án hình sự của Liên Hợp Quốc tại The Hague.
Truyền hình Serbia phát đi hình ảnh cho thấy tướng Mladic đội mũ lưỡi trai và đi chậm rãi khi ông xuất hiện tại tòa ở thủ đô Belgrade. Luật sư Milos Saljic cho hay thẩm phán đã định thẩm vấn ngay Mladic nhưng nghi phạm ở trong tình trạng sức khỏe và tâm lý không ổn định, nên phiên tòa đã bị hoãn. Dự kiến vụ xét xử sẽ tiếp tục vào hôm nay.
Tổng thống Serbia Boris Tadic nhận định vụ bắt giữ Mladic hôm qua đã đưa Serbia và khu vực gần hơn tới sự hòa giải và mở cánh cửa cho sự gia nhập Liên minh châu Âu. Tadic cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Serbia do dự trong việc bắt giữ Mladic. "Chúng tôi luôn hợp tác toàn diện với tòa án hình sự quốc tế ngay từ khi được lệnh".
Hajra Catic - đại diện cho các gia đình nạn nhân ở Srebrenica phát biểu với AFP: "Sau 16 năm chờ đợi, chúng tôi - gia đình các nạn nhân - cuối cùng cũng được khuây khỏa".
Mladic, 69 tuổi, bị bắt tại tỉnh Vojvodina vào sáng sớm hôm qua. Ba đội đặc nhiệm đã đột nhập một ngôi nhà ở làng Lazarevo, cách Belgrade 80 km về phía bắc. Ngôi nhà thuộc quyền sở hữu một người họ hàng với Mladic và đã bị giám sắt trong hai tuần qua.
Các hãng báo chí Serbia cho hay Mladic không hề kháng cự và cũng không cải trang - không giống như trường hợp của Karadzic - giấu mặt trong một bộ râu quai nón rậm rạp và buộc tóc đằng sau khi bị bắt tại Belgrade 3 năm trước.
Mladic bị tòa án tội phạm chiến tranh ở The Hague truy tố vào năm 1995 vì tội ác diệt chủng ở Srebrenica và nhiều tội khác. Đây là vụ thảm sát kinh hoàng nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II. Sau khi sống tự do tại Belgrade, ông mất tích sau khi cựu tổng thống Slobodan Milosevic bị bắt năm 2001.
Theo AP, trong một thông điệp gửi đi từ nhà giam của LHQ tại The Hague, Karadzic cho biết ông rất tiếc khi Mladic bị bắt. Cựu lãnh đạo Bosnia thời chiến nói rằng ông từng muốn làm việc với Mladic để "phơi bày sự thật về chiến tranh Bosnia".
Theo BBC, dự luận quốc tế hoan nghênh vụ bắt giữ này. Trưởng công tố viên tội phạm chiến tranh Serge Brammertz cảm ơn các quan chức Serbia vì đã "hoàn thành trách nhiệm đối với tòa án hình sự quốc tế và trước công lý".
Song Minh