Bà Phó Doanh phát biểu tại cuộc họp báo ở Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc hôm nay. Ảnh: AFP |
Bà Phó Doanh, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc và là phát ngôn viên kỳ họp lần này, nhận được câu hỏi về chi tiêu quân sự tại cuộc họp báo diễn ra một ngày trước khi quốc hội Trung Quốc bắt đầu kỳ họp.
"Dường như Trung Quốc mỗi năm luôn phải giải thích với thế giới bên ngoài về việc tại sao chúng tôi nên tăng cường quốc phòng và tại sao chúng tôi nên tăng ngân sách quân sự", AFP dẫn lời bà Phó nói.
Tuy nhiên, "chính sách quốc phòng của Trung Quốc luôn là hòa bình và tự vệ. Chúng tôi tăng cường quốc phòng để bảo vệ chính mình và bảo vệ an ninh, hòa bình, chứ không nhằm đe dọa các nước khác", bà Phó cho biết thêm.
"Sẽ không phải là tin vui cho thế giới nếu một nước lớn như Trung Quốc không thể bảo vệ an ninh của chính mình. Tăng cường khả năng quốc phòng của Trung Quốc sẽ có lợi cho ổn định lâu dài tại khu vực và cũng có lợi cho hòa bình của thế giới", bà nói.
Tại các cuộc họp báo trước các kỳ họp quốc hội trước đây, ít nhất là từ năm 2006, ngân sách quốc phòng Trung Quốc luôn được công khai. Năm ngoái, người phát ngôn kỳ họp cho biết chi tiêu quân sự năm 2012 của Bắc Kinh sẽ tăng 11,2% lên mức 670,27 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 107,6 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay).
Việc công bố các khoản ngân sách phụ thuộc vào sự chấp thuận chính thức bởi quốc hội Trung Quốc, và có thể được đưa ra trong các phiên về tài chính chính phủ trong những ngày tới.
Các chuyên gia cho rằng chi tiêu quốc phòng thực tế của Trung Quốc về cơ bản thường là cao hơn những số liệu được công bố công khai. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng đều trong những năm qua cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc của nước này. Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Việc tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trở thành một vấn đề nhạy cảm, khi nó diễn ra cùng lúc với việc Bắc Kinh bị các nước láng giềng dè chừng bởi quan điểm quân sự ngày một cứng rắn có liên quan tới những tranh chấp chủ quyền.
Bắc Kinh và Tokyo đã cho các chiến đấu cơ bay tới những khu vực gần chuỗi đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật gọi là Senkaku. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với các đảo thuộc nhóm đảo này nhưng Nhật Bản quản lý trên thực tế. Trung Quốc cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông với một số nước thành viên ASEAN.
Nhật Nam