Các nghị sĩ này cho biết đã làm việc nhiều tuần qua để xin thị thực nhập cảnh cho các nhân viên điều tra, nhằm giúp họ có thể tới thành phố Thâm Quyến ở tỉnh miền đông nam Quảng Đông, nơi được Mỹ coi là trung tâm của các hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, phía Trung Quốc từ chối cấp thị thực nhập cảnh.
"Tôi không thể nói là tôi cảm thấy bất ngờ, nhưng tôi thực sự rất thất vọng vì họ không hiểu được vấn đề", AFP dẫn lời nghị sĩ đảng Dân chủ Carl Levin, chủ tịch Ủy ban Vũ trang Thượng viện Mỹ.
Theo nghị sĩ Levin, các mặt hàng điện tử giả đã thâm nhập vào chuỗi cung ứng của Lầu Năm Góc, trong đó có bộ vi xử lý cho máy bay chiến đấu F-15 và mạch vi xử lý trong phần cứng máy tính ở Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ. Ông cho biết thêm rằng các nhà thầu và nhà phân phối linh kiện quốc phòng cho Mỹ được chỉ định hầu hết đến từ Trung Quốc, đặc biệt là từ thành phố Thâm Quyến.
"Các điều tra viên của chúng tôi nhận được thông tin rằng việc mua bán các thiết bị điện tử giả diễn ra công khai tại Thâm Quyến nói riêng và tỉnh Quảng Đông nói chung. Vì thế, họ dự định tới thành phố này để trực tiếp thẩm định thông tin kể trên", ông Levin nói.
Nghị sĩ đảng Dân chủ cho hay các nhà điều tra sẽ tới Tổng lãnh sự Mỹ tại Hong Kong trong ngày hôm nay, trong một phần của nỗ lực cuối cùng nhằm có được thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc, cho một chuyến công tác kéo dài một hoặc hai ngày.
Nghị sĩ Carl Levin (trái) và nghị sĩ John McCain. Ảnh: UPI |
Trong khi đó, nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, một thành viên trong Ủy ban Vũ trang Thượng viện Mỹ, cho hay Mỹ và Trung Quốc không phải là hai nước đối đầu với nhau, mà ngược lại có những mối quan tâm chung và việc ngăn ngừa hàng giả là một trong số đó.
Theo ông McCain, Mỹ chưa đưa ra kết luận nào về các cáo buộc đối với việc các mặt hàng điện tử giả xuất hiện trong chuỗi cung ứng quân sự của nước này. Tuy nhiên, nghị sĩ Cộng hòa này cho rằng Mỹ cần làm sáng tỏ các cáo buộc, nhằm đảm bảo rằng cường quốc số một thế giới có thể tự bảo vệ mình với những hệ thống vũ khí đáng tin cậy.
Trả lời câu hỏi về việc điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh tiếp tục nói không với cuộc điều tra này, nghị sĩ McCain cho rằng ông và các cộng sự sẽ lên tiếng phản đối nhưng đồng thời vẫn tiếp tục điều tra như dự định.
"Trung Quốc nên quan tâm tới vấn đề này, sao cho các mặt hàng điện tử giả không tiếp tục tràn lan, vì điều này cũng ảnh hưởng tới tính hợp pháp của các công ty Trung Quốc. Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ nhận ra rằng đây là mối quan tâm chung của cả hai nước", ông Cain nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ hiện chưa có có bình luận nào về diễn biến này.
Phan Lê