Văn phòng Tổng thống Win Myint hôm qua thông báo 15 lãnh đạo đã tham dự cuộc họp hôm qua tại thủ đô Naypidaw, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing. Cuộc họp có nội dung về "an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế, bao gồm khủng hoảng ở bang Rakhine" và thảo luận thành lập "ủy ban điều tra" ở Rakhine, theo AFP.
Rakhine, vùng duyên hải phía tây đất nước, là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số Rohingya theo Hồi giáo. Khoảng 700.000 người dân tộc thiểu số theo Hồi giáo đã chạy trốn khỏi biên giới sang Bangladesh sau khi quân đội Myanmar bị Liên Hợp Quốc (LHQ) và Mỹ cáo buộc tiến hành đàn áp "diệt tộc" lên cộng đồng người Rohingya vào tháng 8 năm ngoái.
Đây là cuộc họp hiếm hoi thứ ba về khủng hoảng Rohingya từ khi chính quyền bà Suu Kyi lên nắm quyền năm 2016, tiếp theo một thỏa thuận trong tuần này của chính phủ Myanmar với LHQ về việc cho phép các chuyên gia của LHQ tới Rakhine để đánh giá khả năng và thời điểm thích hợp cho người tị nạn Rohingya hồi hương.
Trước khi đạt thỏa thuận với LHQ, Myanmar đã giậm chân tại chỗ trong nhiều tháng trong việc hồi hương người Rohingya, dù khẳng định khu vực này an toàn cho họ quay lại nhưng từ chối để bên thứ ba tiếp cận và đánh giá tình hình. Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cũng gây áp lực với chính quyền Myanmar, sau cuộc thảo luận hôm 20/6 năm ngoái về việc có hay không mở điều tra về đàn áp.
Myanmar bác bỏ cáo buộc "diệt tộc", tuyên bố không phải thành viên của Quy chế Rome để ICC điều tra. Chính quyền nước này tuyên bố sẽ mở điều tra riêng về vi phạm nhân quyền. Các nhà phân tích đánh giá cuộc họp cấp cao giữa chính phủ và quân đội Myanmar sẽ giải quyết những bất đồng xuyên suốt thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa hai bên.
Myanmar và Bangladesh đã ký thỏa thuận hồi hương người tị nạn Rohingya tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ 1.000 người được phép quay lại và hầu như không ai quay về. Họ yêu cầu được đảm bảo an toàn, cấp quyền công dân và bồi thường cho làng mạc và đất nông nghiệp bị phá hủy. Cả hai quốc gia đều tranh cãi về bên chịu trách nhiệm cho việc chậm trễ hồi hương. Đặc phái viên mới của LHQ về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener dự kiến sẽ sớm tới Myanmar để thảo luận về khủng hoảng người Rohingya.