Các công nhân đo mức độ phóng xạ tại lò phản ứng số 2 nhà máy điện hạt nhân Fukushima I. Ảnh: AP |
Một thiết bị tự động có gắn camera, máy đo nhiệt, đo khối lượng và đo mực nước được đưa vào trong lò phản ứng số 2 của nhà máy. Đây là lần thứ hai thiết bị này được đưa vào bể nhiên liệu của lò phản ứng kể từ sau sóng thần ập vào và phá hủy nhà máy tháng 3 năm ngoái.
Cuộc kiểm tra ngày hôm qua với đèn soi công nghiệp phát hiện mức độ phóng xạ ở trong buồng gấp 10 lần mức gây chết người. Trước đó các quan chức của nhà máy cho biết hơn một nửa các thanh nhiên liệu bị tan chảy phần lõi và rơi xuống sàn của lớp bảo vệ đầu tiên. Một số thanh còn bắn tung tóe lên tường và ra sàn.
Các hạt từ thanh nhiên liệu tan chảy làm rò rỉ phóng xạ ở mức độ nguy hiểm, lên đến 70 sievert một giờ ở bên trong bể chứa, AP dẫn lời ông Junichi Matsumoto, người phát ngôn của công ty điện lực Tokyo (TEPCO) cho biết.
Con số 70 sievert/h là mức cao nhất được phát hiện, so với mức 10 sievert/h xung quanh một ống xả chung của lò phản ứng số 1 và số 2 hồi năm ngoái.
Tiếp xúc với mức độ phóng xạ này trong vòng một phút sẽ gây nôn mửa, tiếp xúc 7 phút sẽ gây tử vong trong vòng một tháng sau đó, các chuyên gia ở TEPCO cho biết.
Ông Matsumoto nói đây là mức cực kỳ cao và đèn soi cũng chỉ tồn tại được 14 tiếng đồng hồ trong điều kiện đó. "Chúng tôi phải chế tạo ra những thiết bị khác có thể chịu được mức phóng xạ cao" để tiếp cận và tháo dỡ các thanh nhiên liệu tan chảy trong quá trình dỡ bỏ nhà máy.
Cuộc thăm dò cũng phát hiện ra lớp bảo vệ có hình dáng như chiếc cốc bao quanh phần lõi có mức nước làm mát chỉ khoảng 60 cm từ đáy lên, thấp hơn rất nhiều so với mức 10 m được chính phủ Nhật ước tính khi thông báo nhà máy đạt trạng thái ổn định tháng 12 năm ngoái. Hiện, các công nhân tiếp tục bơm nước vào trong các lò phản ứng.
Ngoài ra, máy quay đi kèm theo đèn soi vào trong lò phản ứng ghi được hình ảnh nước trong bể chứa nhưng kèm theo cặn màu vàng sẫm được cho là mảnh vụn của sơn và rỉ sắt rơi ra.
Hình ảnh thu được trong cuộc thăm dò hồi tháng 1 không nhìn thấy mặt nước, mà chỉ thấy hơi nước bốc lên và các bề mặt kim loại rỉ sét nứt nẻ do tiếp xúc với phóng xạ, nhiệt độ và độ ẩm cao.
Ông Matsumoto cho hay việc nhìn thấy mực nước là rất quan trọng để xác định vị trí bị hư hại và nước nhiễm phóng xạ đang thoát ra từ đâu. Mức nước thực tế bên trong bể chứa chính là cách để ước lượng, trong khi cách dùng số liệu trước đây mới là không đáng tin cậy.
Tuy nhiên, kết quả phát hiện tại nhà máy hôm qua không ảnh hưởng đến tình trạng "tắt nguội" của nhà máy vì nhiệt độ của nước khoảng 50 độ C cho thấy thanh nhiên liệu được làm mát.
Ba lò phản ứng của nhà máy Fukushima I có thanh nhiên liệu bị tan chảy, duy nhất lò phản ứng số 2 được theo dõi chặt chẽ bởi mức độ phóng xạ bên trong lò tương đối thấp và thiết kế cũng thuận tiện dể cho đèn soi vào theo dõi.
Điều kiện chính xác của hai lò phản ứng khác đã bị nổ không được biết rõ nhưng tình hình có thể còn tồi tệ hơn. Theo dự đoán thì thanh nhiên liệu ở lò số 1 đã tan chảy phần lõi nhiều hơn, nhưng mức độ phóng xạ tại lò số 3 lại là cao nhất.
Mức độ phóng xạ cao ở bể chứa của lò phản ứng số 2 có nghĩa rằng các công nhân không thể tiếp cận. Nhưng một số khu vực khác bên trong lò cho phép công nhân tiếp cận 5 phút một lần với đầy đủ quần áo chống phóng xạ.
Trận động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản tháng 3/2011 gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl, làm lõi của các thanh nhiên liệu hạt nhân trong ba lò phản ứng tan chảy, rò rỉ chất phóng xạ ra môi trường.
Tháng 12/2011, chính phủ Nhật thông báo các lò phản ứng đã mát hơn và nhà máy Fukushima I đạt trạng thái ổn định. Tuy nhiên một số chuyên gia vẫn còn chưa yên tâm về tình hình nhà máy.
Trong lần mở cửa đón các nhà báo trên thế giới tới đưa tin, người đứng đầu nhà máy cho biết những trận động đất và dư chấn tiếp tục xảy ra trong khu vực cùng với nước ô nhiễm và chứa phóng xạ là những thách thức rất lớn. Ông cũng cho biết phóng xạ đã rò rỉ vào lòng đại dương một vài lần.
Các công nhân phát hiện vụ rò rỉ mới nhất là khoảng 80 lít trong số 120 tấn nước của một đơn vị xử lý đã thoát ra biển. Các nhà chức trách đang đánh giá mức độ ảnh hưởng của đợt rò rỉ.
Sự cố tại nhà máy Fukushima làm dấy lên mối lo ngại và không tin tưởng vào an toàn hạt nhân, làm chính phủ Nhật khó lòng khởi động lại các nhà máy hạt nhân trên khắp đất nước sau khi tạm dừng để kiểm tra độ an toàn. Hiện chỉ có duy nhất một trong tổng số 54 lò phản ứng điện hạt nhân còn hoạt động trên toàn nước Nhật và dự kiến cũng sẽ tạm dừng vào tháng 5 này.
Vũ Hà