Một tàu hải giám của Trung Quốc. Ảnh minh họa: Xinhua |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Vi Dân cuối tuần qua cho hay các tàu của chính phủ nước này vẫn sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ quanh bãi cạn tranh chấp trên cơ sở nhu cầu thi hành luật pháp, quản lý và duy trì tại đó.
"Các tàu cá của Trung Quốc cũng đang hoạt động bình thường tại khu vực bãi cạn mà không bị cản trở, trong khi các tàu chính phủ tiếp tục quản lý và bảo vệ các tàu cá cũng như ngư dân Trung Quốc ở các vùng nước gần đảo Hoàng Nham", báo Inquirer của Philippines dẫn lời ông Lưu.
Ông này còn cho biết "Trung Quốc không hy vọng thấy thêm hành vi gây hấn có thể làm tổn hại quyền và lợi ích của Trung Quốc", đồng thời khẳng định Bắc Kinh vẫn tiếp tục liên lạc với phía Philippines về việc làm thế nào giải quyết vụ việc Scarborough/Hoàng Nham và cải thiện các mối quan hệ song phương.
Tuyên bố của người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi phía Philippines loan báo việc "tái bố trí" các tàu của cả hai nước nhằm làm giảm căng thẳng tại bãi cạn tranh chấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez tuần trước cho hay các tàu chính phủ của cả hai phía đều đã rút khỏi Scarborough/Hoàng Nham. Tuy nhiên, ông Hernandez cũng cho biết vẫn còn 30 tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn, trong khi không còn ngư dân Philippines nào ở khu vực này.
Căng thẳng ngoại giao Manila - Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 8/4 khi Philippines phát hiện một số tàu cá của Trung Quốc tại bãi cạn cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Soái hạm BRP Gregorio del Pilar của Philippines được cử đến nhưng bị hai tàu hải giám của Trung Quốc ngăn chặn việc bắt giữ các ngư dân nước này.
Cả Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn không có người sinh sống. Căng thẳng được đẩy lên cao với hàng loạt tuyên bố và động thái của cả hai phía trong hai tháng qua.
Phan Lê