"Tất nhiên là chúng tôi cần sự giúp đỡ của Mỹ để theo dõi đường đi (của tên lửa) bởi chúng tôi không đủ khả năng làm việc đó", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói với các phóng viên.
"Nhờ các đồng minh, chúng tôi sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết. Chúng tôi cần các tin chi tiết để có thể thông báo và cảnh báo cho người dân có mặt trên đường đi của tên lửa", ông nói thêm.
Tên lửa của Triều Tiên trong một lễ diễu binh ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP |
Tuần trước Triều Tiên công bố sẽ phóng tên lửa mang vệ tinh quan sát trong khoảng thời gian từ 12 đến 16/4. Vệ tinh dự kiến được phóng đi tại một địa điểm phía tây Triều Tiên, bay về phía nam. Tầng thứ nhất của tên lửa dự kiến rơi trên biển Hoàng Hải, giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Tầng thứ hai được cho là sẽ đáp xuống vùng nước phía đông bắc Philippines.
Mỹ và Philippines có mối quan hệ đồng minh quân sự lâu dài và có hiệp ước phòng thủ chung. Washington đang tích cực hiện đại hóa các khí tài già nua của đồng minh bằng các tàu hải quân, và đang xem xét yêu cầu mua máy bay F-16 từ Manila.
Trước tuyên bố của Bình Nhưỡng, Nhật Bản cho hay họ sẽ xem xét triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa và sẽ bắn hạ vệ tinh Triều Tiên nếu nó gây nguy hiểm cho Nhật. Các hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 đã được chuẩn bị sẵn cả trên bộ và trên biển của Nhật để đề phòng tình huống cần thiết.
Mai Trang