Hải quân và các nghị sĩ Philippines cắm quốc kỳ trên một mỏm đá nhỏ thuộc bãi cạn tranh chấp với Trung Quốc Scarborough/Hoàng Nham năm 1997. Ảnh: AFP |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez hôm qua cho biết "quan điểm cứng nhắc" của Trung Quốc khiến cho Philippines không thể tiếp tục bất kỳ cuộc thảo luận và tham vấn nào với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông (Philippines gọi là biển Tây Philippines) thêm nữa.
Philippines tổ chức cuộc họp báo để bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh cho rằng Philippines đã không dùng các biện pháp chính trị và ngoại giao để giải quyết tranh chấp.
"Tuyên bố của phía Trung Quốc là vô căn cứ", Hernandez nói.
Ông nói Philippines đã tiến hành các biện pháp ngoại giao, chính trị và pháp lý để giải quyết vấn đề tranh chấp. "Tuy nhiên, sau hơn 17 năm đàm phán, không có tiến triển nào cả", ông nói.
Trung Quốc "liên tục duy trì quan điểm cứng rắn của mình về 'chủ quyền' với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả vùng nước gần bờ biển Philippines".
"Rõ ràng là Trung Quốc đưa ra thông điệp: Đầu tiên, ông cần thừa nhận rằng toàn bộ Biển Đông thuộc về Bắc Kinh rồi chúng ta mới bắt đầu đàm phán", người phát ngôn Philippines nói.
Quan điểm này khiến cho việc Manila đàm phán song phương với Bắc Kinh không thể thực hiện và phải nhờ đến Tòa án Trọng tài Quốc tế xét xử theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, mà cả hai nước đã ký kết.
Manila đệ đơn kiện từ tháng 1 và muốn tòa án phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, nơi được cho là có trữ lượng khoáng sản dồi dào, là bất hợp pháp. Trung Quốc thậm chí tuyên bố chủ quyền với cả các vùng biển sát bờ Philippines và các nước Đông Nam Á khác.
Tuy nhiên, Bắc Kinh thông báo từ chối đề nghị ra tòa của Philippines, khẳng định chỉ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương.
Căng thẳng giữa hai nước lên cao từ tháng 4 năm ngoái khi Philippines chặn các tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn mà Philippines gọi là Scarborough còn Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.
Philippines khẳng định bãi cạn này thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền tại khu vực được cho là có nguồn dầu mỏ và hải sản phong phú này. Hai nước liên tục điều các tàu tuần tra và cả tàu chiến tới bãi đá trong nhiều tháng liền, gây lo ngại xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp. Căng thẳng chỉ dịu lại vào tháng 6 khi hai bên bắt đầu rút bớt tàu khỏi khu vực.
Vũ Hà