"Tôi sẽ thuyết phục các bên tham gia rút khỏi quy chế", Reuters dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 18/3. "Đó không phải tài liệu do ai chuẩn bị cả. Nó được Liên minh châu Âu (EU) bảo trợ".
Bình luận trên được đưa ra sau khi các công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tháng 2 mở cuộc điều tra sơ bộ đối với "cuộc chiến chống ma túy" của ông Duterte. Chiến dịch đã dẫn đến cái chết của hàng nghìn người từ khi bắt đầu hồi tháng 7/2016.
Philippines trước đó đã thông báo cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về quyết định rút khỏi ICC. Động thái này vấp phải sự chỉ trích từ các nhóm nhân quyền. Họ cho rằng Tổng thống Duterte không thể tự rút khỏi ICC và ông cần được thượng viện Philippines, thông qua Quy chế Rome năm 2011, chấp thuận.
Hơn 120 quốc gia đã ký tham gia Quy chế Rome, thiết lập ICC tại The Hague, Hà Lan, năm 2002. ICC có thể can thiệp khi một quốc gia không thể hoặc không muốn tiến hành điều tra và xét xử những người phạm tội nghiêm trọng như tội ác chống lại loài người, diệt chủng, các tội ác chiến tranh.
Khoảng 4.000 người Philippines đã bị cảnh sát tiêu diệt trong chiến dịch chống ma túy, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Các nhà hoạt động cho rằng con số trên thực tế còn cao hơn nhiều. Cảnh sát Philippines khẳng định họ chỉ tiêu diệt những nghi phạm chống cự mạnh mẽ trong các chiến dịch hợp pháp.
Như Tâm