![]() |
Máy bay trinh sát P3C Orion của Mỹ. Ảnh minh họa: Armybase |
Lời đề nghị Mỹ hỗ trợ các phi cơ P3C Orion trước hết sẽ cần phải có sự chấp thuận từ các cố vấn quốc phòng hàng đầu của Tổng thống Benigno Aquino, AFP dẫn lời người phát ngôn của tổng thống, ông Ramon Carandang.
"Việc đề nghị này có triển vọng như một cách để tăng cường các khả năng giám sát của chúng tôi. Nhưng việc này chắc chắn chỉ nhằm các mục đích theo dõi và giám sát", Carandang cho hay.
Phát ngôn viên này cũng cho biết việc Manila nhờ cậy vào các máy bay trinh sát của Washington không nên được Bắc Kinh coi là một hành động gây hấn. Ông Carandang đồng thời xoa dịu những lo âu về việc diễn biến này có thể lại nhen lên những căng thẳng tại khu vực này. "Điều này không mâu thuẫn với chính sách của chúng tôi trong việc hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực. Trên hết, nó chỉ phục vụ việc theo dõi và sẽ không có sự hiện diện của các thiết bị vũ trang", Carandang nói.
Những tuyên bố nói trên của Philippines được đưa ra hai tuần sau khi Tổng thống Aquino ra lệnh rút một tàu tuần duyên và một tàu của cục nghề cá từ bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham về bờ để tránh bão. Từ đầu tháng 4, hai tàu này đã tham gia vụ "chạm mặt" với các tàu của Trung Quốc tại bãi cạn cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây.
Trung Quốc hoan nghênh việc Philippines rút tàu, sau đó đáp lại bằng việc đưa các tàu của nước này ra khỏi bãi cạn, dù cả hai bên đều cho biết không có thỏa thuận nào về việc rút lui lâu dài khỏi khu vực này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland từ chối bình luận cụ thể, nhưng cho biết: "Như một phần trong mối hợp tác lâu dài của chúng tôi, Mỹ ủng hộ Philippines trong việc tăng cường các năng lực hàng hải".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hiện chưa có bình luận nào, nhưng Bắc Kinh vốn luôn phản đối sự tham gia của Mỹ vào tranh chấp với Philippines. Tuần trước, Trung Quốc cũng cho biết nước này phản đối bất cứ sự gây hấn quân sự nào tại Biển Đông. Lời cảnh báo này được cho là nhằm vào Mỹ, nước đang tổ chức cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2012 tại Hawaii với sự tham gia của 22 quốc gia.
Căng thẳng ngoại giao Manila - Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 8/4 khi Philippines phát hiện một số tàu cá của Trung Quốc tại bãi cạn cách đảo lớn Luzon của Philippines khoảng 230 km về phía tây. Soái hạm BRP Gregorio del Pilar của Philippines được cử đến nhưng bị hai tàu hải giám của Trung Quốc ngăn chặn việc bắt giữ các ngư dân nước này.
Cả Philippines và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn không có người sinh sống, đồng thời liên tục điều động các tàu tới đây. Căng thẳng được đẩy lên cao với hàng loạt tuyên bố và động thái của cả hai phía trong gần ba tháng qua.
Phan Lê