![]() |
Tàu tuần duyên của Philippines. Ảnh: Marinetalk |
"Nếu họ vẫn hiện diện trong vùng lãnh hải của chúng tôi, chúng tôi sẽ tái triển khai tàu đến khu vực này", AP dẫn lời ông Aquino nói. "Tuy nhiên, nếu họ không còn hiện diện hay giữ tàu nào ở đây gây nguy hại đến chủ quyền của chúng tôi, thì không cần thiết phải điều tàu trở lại".
Một cơn bão lớn đang hoành hành trên Biển Đông gây nên những đợt sóng cao đến 5 m. Các tàu thuyền đều được cảnh báo tránh xa vùng biển động. Tuần trước, Philippines cho biết sẽ rút hai tàu còn lại ở bãi vì tình hình thời tiết diễn biến xấu, gây nguy hiểm cho các thủy thủy đoàn. Trung Quốc sau đó cũng cho hay sẽ rút các tàu đánh cá về để đảm bảo an toàn. Động thái của hai bên làm dấy lên hy vọng về việc chấm dứt cuộc xung đột căng thẳng trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa hôm qua đã hoan nghênh quyết định của Trung Quốc và Philippines, kêu gọi hai bên "kiềm chế leo thang căng thẳng và thay vào đó thúc đẩy giải quyết xung đột thông qua các giải pháp ngoại giao". Tuy nhiên, ông Aquino hôm nay tuyên bố một máy bay của quốc đảo sẽ kiểm tra bãi cạn ngay khi thời tiết trở lại bình thường.
Một quan chức chính phủ Philippines cho hay đến hôm 19/6, 6 tàu chính phủ và 30 tàu cá của Trung Quốc được nhìn thấy tại Scarborough/Hoàng Nham. Quan chức này cho rằng các tàu cá có thể đang bị mắc kẹt tại bãi cạn vì bão và sẽ rời đi khi trời quang mây tạnh vào cuối tuần này, theo dự báo của cơ quan khí tượng Philippines.
Tàu thuyền của hai nước đã đối đầu nhau suốt hơn hai tháng qua tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, trong khi chính quyền hai bên liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn. Bãi cạn không người sinh sống nằm cách đảo chính Luzon của Philippines hơn 230 km và cách lãnh thổ Trung Quốc hơn 800 km. Philippines cho hay bãi cạn thuộc phạm vi vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố đây là một phần lãnh thổ của mình, ít nhất là từ thế kỷ 13.
Anh Ngọc