Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc hôm nay đưa ra tầm nhìn trái ngược hoàn toàn về tương lai thương mại toàn cầu khi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) tại Đà Nẵng, Việt Nam, theo AFP.
Trong bài phát biểu kéo dài khoảng nửa tiếng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định chính sách "nước Mỹ trên hết" của mình, đề cao thương mại song phương, trong khi Chủ tịch Trung Quốc ngay sau đó đưa ra quan điểm bảo vệ xu hướng toàn cầu hóa "không thể đảo ngược".
Trước chuyến công du của Trump, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ sẽ đưa ra tầm nhìn về "khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã nhắc đến điều này, nói rằng đây là khu vực mà các quốc gia "có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong tự do và hòa bình".
Tuy nhiên, ông nhanh chóng quay lại với chủ đề quen thuộc của mình, đó là tình trạng mất cân bằng thương mại. Sau khi ca ngợi thành tựu kinh tế, chính trị của một loạt quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, ông cáo buộc khu vực này "lợi dụng nước Mỹ trong vấn đề thương mại", cho rằng lợi ích của Mỹ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cấu trúc hiện nay của thương mại toàn cầu.
Ông tuyên bố Mỹ sẽ "không tiếp tục dung thứ" thương mại bất bình đẳng, thị trường đóng và nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ. "Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm nữa", ông nói, cho rằng Tổ chức Thương mại Thế giới đã không giám sát được tình trạng vi phạm tự do thương mại.
Theo nhà báo Kevin Liptak của CNN, đây là thông điệp quen thuộc được đưa ra trước những lãnh đạo, doanh nhân vốn không mấy xa lạ với quan điểm về chủ nghĩa bảo hộ của Trump.
Dù nói rằng tình trạng mất cân bằng thương mại hiện nay là "không thể chấp nhận được", ông Trump lại cho rằng Trung Quốc và các nước không phải là đối tượng để đổ lỗi. Thay vào đó, ông trút trách nhiệm cho chính quyền tiền nhiệm đã không làm gì để khắc phục tình trạng này.
Theo Liptak, tuyên bố này của Trump phá vỡ truyền thống lâu đời của các tổng thống Mỹ, những người luôn cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với vấn đề mất cân bằng thương mại.
Ông Trump còn vạch ra hướng đi mới đối với thương mại, tuyên bố ông sẽ không tiếp tục theo đuổi các thỏa thuận thương mại đa phương "trói tay nước Mỹ, ảnh hưởng đến chủ quyền", mà ưu tiên hợp tác song phương với các quốc gia "tuân thủ luật lệ".
Chỉ vài phút sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng vào chỗ mà ông Trump vừa rời đi, vạch ra tầm nhìn về một Trung Quốc "hàng đầu thế giới" với ít rào cản thương mại hơn so với Mỹ.
Ông Tập lên tiếng bảo vệ toàn cầu hóa, gọi đây là "xu thế lịch sử không thể đảo ngược" và khẳng định quá trình này đã góp phần giúp Trung Quốc vươn lên thoát khỏi đói nghèo để trở thành cường quốc trong ba thập kỷ.
Trong khi ông Trump coi hợp tác song phương là giải pháp cho tình trạng mất cân bằng thương mại, thất thoát việc làm và bất bình đẳng, ông Tập lại cho rằng triết lý thương mại tự do cần được xem xét lại để trở nên "cởi mở, cân bằng và bình đẳng hơn".
Trước khi ông Tập tới Việt Nam dự APEC, Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ mở cửa hơn nữa các thị trường tài chính trong nước, yêu cầu quan trọng mà các nhà đầu tư Mỹ và thế giới từ lâu đã kêu ca về những rào cản nghiêm ngặt trên con đường tiếp cận với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Trước những lo ngại rằng Trung Quốc đang dựng lên nhiều rào cản thị trường với các công ty nước ngoài hơn bất cứ nền kinh tế lớn nào trên thế giới, ông Tập trấn an các đại biểu dự CEO Summit rằng nước này sẽ "nới lỏng đáng kể đường tiếp cận thị trường" có các doanh nghiệp nước ngoài, khẳng định mọi công ty đăng ký ở Trung Quốc sẽ được đối xử bình đẳng.
Nhà báo Michael Martina của Reuters cho rằng trong năm qua, ông Tập đã định vị Trung Quốc như "người bảo trợ toàn cầu hóa" trong các bài phát biểu khắp thế giới. Thông điệp này của ông Tập hoàn toàn trái ngược với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết" của ông Trump cũng như quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ.
Người tiền nhiệm của ông Trump là ông Barack Obama đã coi TPP là cách để nước Mỹ chứ không phải Trung Quốc viết nên các quy tắc thương mại của châu Á.
Chuyên gia Nick Bisley của Strategist cho rằng các cơ chế đa phương ở châu Á như APEC chính là diễn đàn để các cường quốc thể hiện sự ganh đua về ảnh hưởng. Dù APEC không có những tác động mang tính quyết định tới tương lai của châu Á, nhưng bài phát biểu của ông Trump và ông Tập cho chúng ta thấy rõ cuộc cạnh tranh đó đang diễn ra như thế nào, Bisley nhận định.
Trí Dũng