Rượu vang Pháp. Ảnh: Wine-in-france. |
Tôi không yêu nước Pháp. So với cùng một tông lãng mạn thì tôi yêu Ý hơn. Cho dù có nhiều ý kiến trái chiều và mỗi người có một chuẩn mực riêng về cái đẹp, thì với tôi, trong tâm niệm, tôi vẫn cho rằng Pháp chỉ là một “bản sao” có chút sáng tạo của nước Ý.
Tôi say nước Ý đến nao lòng, tôi mê đắm trong các giai điệu Ý lúc đêm khuya, tôi mê mẩn trước những kiến trúc làm nên một Italia vừa cổ kính vừa hiện đại. Vậy nhưng, có một thứ và chỉ duy nhất thứ ấy khiến tôi thậm chí còn yêu Pháp hơn cả người tình nước Ý của mình, một thứ quà đầy ân sủng mà Thượng đế đã mềm lòng ban cho xứ sở của tháp Eiffel, một nét duyên thầm mà tinh tế và nồng nàn hết mực của văn hóa Pháp – đó là rượu vang.
Rượu vang thì ở nhiều nơi cũng có, Đức có, Áo có, Ý cũng có… Nhưng vì lẽ gì mà tôi lại say sưa với những giọt vang được tinh cất từ những cánh đồng nho trải dài bất tận của nước Pháp?
Người La Mã bảo rằng : “Có 4 lí do để người ta uống rượu: uống khi một người bạn đến chơi, uống khi thấy khát, uống khi rượu ngon và uống vì nhiều lí do khác”. Một câu ngạn ngữ thời Trung Cổ ở Toscana lại nói rằng: “Hãy uống để ngủ ngon. Nếu ngủ ngon sẽ không gây ra tội lỗi. Nếu bạn không gây tội lỗi, bạn sẽ được cứu vớt linh hồn. Tóm lại, hãy uống rượu và bạn sẽ sống sót”.
Những lí do kia làm người ta uống rượu, nhưng như thế là chưa đủ đối với những ai thưởng thức rượu Pháp. Trước một ly vang Pháp nồng nàn, người ta thấy trân quý chính bản thân mình hơn để rồi từ đó mà nâng niu thứ chất lỏng kì diệu đang hiện hữu và thầm tỏa hương trước mặt.
Người Pháp trân quý rượu như một thứ nước thánh thần, không quá đỗi linh thiêng nhưng lại dung chứa một thứ phẩm chất đầy quý tộc. Rượu vừa rót ra ly đã phơi bày cái màu sắc óng ả của nó. Người Pháp dùng một thuật ngữ đặc biệt để gọi tên màu sắc của rượu trong ly, đó là “la robe” (nghĩa là “cái áo đầm của người con gái”).
Văn hóa rượu vang sẽ bắt đầu bằng việc nhìn ngắm “chiếc áo đầm” của người phụ nữ xinh đẹp ấy rồi nhẹ nhàng lắc chiếc ly và cảm nhận thứ mùi hương dịu dàng lôi cuốn tỏa ra trong từng nhịp rượu sóng sánh. Một thứ mùi hương đong đầy nắng gió, thoang thoảng hương hoa oải hương, thấp thoáng mùi cỏ tóc tiên, hay mùi đất Champagne, mùi nắng Bordeaux, mùi hơi thở của những người làm vườn Bourgogne, Côtes-du-Rhône, Alsace… Liệu có khoa trương quá không khi tưởng tượng ra quá nhiều thứ trong khi chỉ đang ngửi duy nhất một chút hương rượu vang tỏa nhẹ trong không khí? Không, không hề phô trương chút nào, bởi vốn dĩ vang Pháp và người Pháp, văn hóa Pháp đã tự nhiên tạo nên cái thứ mùi vừa cầu kì vừa tinh tế như thế.
Tôi yêu và khâm phục cái tinh tế của văn hóa Pháp. Trong khi các quốc gia khác cố gắng tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm đa dạng hơn, nhiều loại rượu hơn, nhiều nhãn hàng hơn thì với văn hóa rượu vang của Pháp, vẫn chỉ là thứ chất lỏng truyền thống ấy, họ yêu thương nó, trân trọng nó, và lúc nào cũng tìm những cảm hứng khác nhau để nâng niu nó và say mê nó hơn.
Gửi bài dự thi "Nước Pháp tôi yêu" của bạn |
Trong khi ta chỉ đánh giá rượu ngon hay không thì họ còn đánh giá rượu đẹp hay không và mức độ đẹp cũng có nhiều cấp độ. Người Pháp gọi độ êm và mềm mượt của rượu khi uống là “rondeur” (sự đầy đặn trong vẻ đẹp của phụ nữ), chỉ riêng điều này thôi cũng đủ thấy họ yêu ly rượu của mình đến mức nào.
Uống không phải để say. Uống như một cách để sống và hiểu về cuộc sống của đất nước vùng Tây Âu xinh đẹp này. Này là cái đằm thắm nơi đầu lưỡị, này là cái đầy đặn, nồng nàn như khi ta ôm người yêu trong taỵ. Này là vị chua lẫn vị ngọt của nước nho, vị chát của vỏ nho, vị đắng của cuống nho, vị nồng của men rượu, vị đặm của gỗ sồi. Tất cả hòa hợp lại như hương vị của cả đất trời Tây Âu dưới cái nắng nồng và đất ấm của nước Pháp mà trỗi dậy vậy.
Người Pháp còn đặc biệt coi trọng thính giác và xúc giác trong văn hóa thưởng rượu. Rượu vang thường uống bằng ly thủy tinh, nhưng đặc biệt vang nho thì phải đi cùng ly pha lê mới đúng là mỹ tửu. Uống rượu đỏ thì dùng ly chân cao, bầu tròn, nhưng uống rượu trắng thì phải dùng ly bầu dài dáng thanh. Uống champagne là không thể thiếu ly búp thon miệng để cảm nhận luồng nhiệt nhẹ từ bàn tay mình truyền qua lớp ly với cảm giác được chạm vào thứ rượu ngon, đẹp và quý.
Nhấp một ngụm rượu mà như thấy mình vừa trải qua cái ngọt ngào của nụ hôn đầu dưới chân tháp Eiffel, vừa nồng nàn mãnh liệt, vừa lạ lạ quen quen bởi cái gọi là lần đầu tiên bao giờ cũng khó quên và kì lạ. Nhắm mắt hít sâu cái mùi hương của rượu mà như đang hít thở cả cái bầu không khí thanh bình với những màu xanh êm dịu của thung lũng sông Loire hay thả hồn giữa cái bình lặng xinh đẹp của Provence, nằm nép mình dưới chân núi Alpilles. Lắng nghe từng vị giác đang thức dậy nơi đầu lưỡi, để lòng phơi phới, xốn xang như đang thênh thang bước giữa những cánh đồng nho trải dài bất tận…
Uống rượu cũng cầu kì đến vậy. Thưởng rượu cũng tinh tế đến mức khắt khe. Nhưng từ mỗi ly rượu kia lại khiến người ta liên tưởng đến con người Pháp. Bạn sẽ thấy người Pháp chuộng sự nền nã, nhã nhặn và lịch sự. Cũng như ly rượu vang, e ấp mà dung chứa trong đó hàng trăm thứ cảm xúc vơi đầy, người Pháp giản dị, kín đáo nhưng lại tiềm ẩn thứ nhiệt tình sôi nổi không kém bất cứ ai.
Bình dị, nhẹ nhàng nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng, hào hoa, phong nhã. Đó là rượu Pháp và đó cũng là con người Pháp. Cũng như với một ly champagne, hãy khám phá con người Pháp bằng tất cả mọi giác quan, bằng trái tim và bằng cả tâm hồn, bởi chỉ có như vậy mới cảm hết được nét riêng của Pháp!
Chianti