Bố tôi dưới chân tháp Eiffel vào năm 1985. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Tôi thường kể với cậu con trai Zizou bé bỏng của tôi về nước Pháp, xứ sở đẹp đẽ nhưng xa vời mà tôi chưa từng đặt chân đến. Dù thế nào thì Zizou cũng cần biết về nước Pháp, về cầu thủ Zidane mà bố đã chọn làm tên thân mật cho con. Điều này thật bình thường, cũng như ngày xưa, bố tôi đã kể cho tôi những câu chuyện về nước Pháp.
Những dòng nhật kí đầu đời của tôi từ cách đây hơn 30 năm vẫn được gìn giữ cẩn thận. Trong cuốn sổ bạc màu, bố tôi biên rõ từng sự kiện trong đời của “Petit”, tên gọi thân mật đầu tiên của tôi.
Năm 1985, bố tôi đến thành phố biển Nice xinh đẹp làm thực tập sinh. Bố mang về cho tôi rất nhiều quà, nhưng thứ đáng nhớ nhất là chiếc áo phông trắng với hình đội bóng đá OGC Nice ở mặt trước.
Chiếc áo thật là hàng “độc” trong thời bao cấp. Bọn trẻ ngõ tôi cứ xuýt xoa mãi về món quà này khiến cậu bé 5 tuổi lúc đó thấy hãnh diện vô cùng. Thế rồi tình yêu nước Pháp, văn hóa Pháp và bóng đá Pháp cứ lớn dần trong tôi qua các câu chuyện của ông bà và bố. Tôi mân mê những tấm bưu thiếp về nước Pháp, say sưa tìm hiểu về anh chàng Michel Platini đã đoạt đến ba Quả bóng vàng châu Âu thời đó.
Năm 1989, trung tâm dạy tiếng Pháp cho trẻ em đầu tiên của Hà Nội ra đời tại phố Hai Bà Trưng. Tôi cùng hàng trăm các bạn nhỏ khác háo hức đăng kí học. Hai bố con về khoe với ông bà nội. Ông bà cười tươi và nói: “C'est très bien!”.
Buổi học đầu tiên ngày 7/3/1989, cô Mai Hương phát cho mỗi học sinh một tấm bưu thiếp rồi dạy chúng tôi viết câu tiếng Pháp đầu tiên: “Bonne Fête, Maman”. Cô dặn ngày mai đem thiếp này tặng mẹ. Khỏi phải nói, mẹ tôi đã hạnh phúc thế nào khi câu con trai bé bỏng của mình đã viết đươc thiếp tiếng Pháp tặng mẹ nhân ngày 8/3 chỉ sau đúng… một ngày học tiếng Pháp.
Đến tuần học thứ hai, trung tâm lại tặng cho mỗi học sinh một chiếc áo phông. Mặt trước có dòng chữ: “Moi, j’apprends le francais” với chữ “MOI” màu đỏ chót và to nổi bật. Mặt sau có hình tháp Eiffel và dòng chữ “Et vous?”. Về nhà được ông ngoại giải thích nghĩa, tôi khoái mặc nó vô cùng vì chiếc áo này là “dấu hiệu” của “trẻ con biết tiếng Pháp”. Nhưng bọn trẻ trong ngõ thì chẳng nghĩ vậy. Chúng nó khùng khục cười và châm choc rằng sao tôi lại có thể vận chiếc áo có chữ... “MỌI” to tướng như thế.
Cứ như vậy, tôi học tiếng Pháp cùng ông bà, bố và các thầy cô trên lớp. Bố là người thầy tốt nhất của tôi. Còn bà thỉnh thoảng châm chọc tôi bằng cái giọng “bồi” mỗi khi tôi ngượng nghịu: “Cháu suốt ngày chỉ nói được “Uẩy” (Oui) với “nông” (Non) thôi à?”
Khi Alliance Francaise hoạt động, tôi mới tròn 14 tuổi. Ngặt một nỗi, trung tâm chỉ tuyển học viên từ tuổi 16. Thế là tôi “đành” phải tự biến mình thành “già” đi hai tuổi đề nhập học cùng với bố.
Tôi mong chờ cơ hội tới thành phố Nice. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Alliance Francaise là một địa điểm lý tưởng để tìm hiểu về văn hóa và con người Pháp. Tôi say sưa đọc các tập truyện trên thư viện. đắm chìm vào không gian phim Pháp, hòa nhịp thở của bóng đá Pháp. Tôi từng nhảy cẫng lên sung sướng khi Marseille đoạt cúp C1 năm 1993. Và cũng nhớ mãi cái cảm giác hụt hẫng khi bố chìa tờ báo "Thể thao & Văn hóa" và cho tôi bảo: “Pháp thua Bungari vào đúng phút cuối và đã bị loại khỏi World Cup 1994”.
Bố tôi sang Pháp du học lần thứ hai năm 1994. Nước Pháp lại gắn liền với nỗi nhớ bố. Hình ảnh nước Pháp hiện về thật sống động qua từng lá thư, tấm hình mà bố gửi. Tôi như được đồng hành cùng bố trên hành trình khám phá thành Paris hoa lệ, xứ Dijon “người đi mang cả xứ này bồng tiên”, rồi bờ biển Địa Trung Hải biếc xanh.
Gửi bài dự thi "Nước Pháp tôi yêu" của bạn |
Công trình khoa học đầu tiên của tôi ở thời sinh viên là về từ gốc Pháp trong tiếng Việt trong một cuốn tiểu thuyết “Lính thợ ONS” của Đặng Văn Long. Là một sinh viên ngôn ngữ học nhưng tôi không tài nào luận được nhiều từ tiếng Tây “bồi” của các nhân vật Ouvriers Non Spécialisés. May thay, tôi vẫn có một “chuyên gia” trong lĩnh vực này ở bên mình: bà nội tôi. Nhờ có bà, tôi đã hoàn thành xuất sắc báo cáo khoa học đó.
Chẳng biết tự bao giờ, tôi coi nước Pháp như quê hương thứ hai của mình, quê hương mà tôi chưa một lần được đặt chân đến. Dù đang học tập tại Australia, tôi vẫn luôn khao khát được dạo bước trên đại lộ Champs-Elysees hoa lệ, ngắm những kiệt tác trong bảo tàng Louvre, hay thong dong dạo bước trên con đường đầy hoa thơm của vườn Luxembourg, nơi khởi đầu tình yêu lãng mạn giữa chàng Marius Pontmercy và nàng Cossette trong tiểu thuyết của Victor Hugo.
Tôi vẫn đang trên đường đến với nước Pháp đấy. Hãy đợi tôi nhé. Tôi sẽ đem cả cậu con trai Zizou bé bỏng của tôi đến đất nước của Zidane. Chắc chắn là vậy.
Nguyễn Thế Dương