Tác giả tại thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: Tác giả cung cấp |
Hợp tác y học qui mô chính phủ Việt- Pháp đã sang năm thứ 20. Sâu xa hơn thì sự hợp tác này đã có từ ngay đầu thế kỷ XX, khi mà Yersin đặt chân lên mảnh đất Nha Trang và qua đời ở đó. 50 năm trên đất Việt ông cống hiến cho nhân loại 55 đề tài nghiên cứu khoa học, 40 đề tài y khoa, những phát kiến vĩ đại về vắc-xin bạch hầu, dịch hạch. Hình ảnh bác sĩ Yersin hiền lành, đức độ, người sáng lập ra đại học Y và viện Pasteur đầu tiên của nước ta còn mãi in sâu vào lịch sử nền y học nước nhà. Đó có thể nói là bước đi đầu tiên của người Pháp vào nền y học Việt Nam.
Thế còn người ta đi Tây học, có lẽ là không thể đếm xuể. Các bậc thầy của nền y học cách mạng đều là bác sĩ nội trú của Pháp: cố bộ trưởng y tế Phạm Ngọc Thạch, thầy Lê Văn Chung đầu ngành nội khoa, thầy Tôn Thất Tùng đầu ngành ngoại khoa, thầy Phạm Khánh Trạch về tiêu hóa... Rất nhiều Giáo sư bác sĩ Pháp gốc Việt vẫn còn rất phong độ tại Pháp, là niềm tự hào của cả hai dân tộc Pháp - Việt: Giáo sư Hoàng Xuân Thanh, Giáo sư Hoàng Xuân Phúc, Giáo sư Patric Võ Tấn...
Giới y học Việt Nam đều có chung một nhận định rằng: nền y tế Pháp thuộc vào loại tiên tiến trên thế giới, đáng để học hỏi và làm theo, tuy một số mặt về công nghệ và máy móc còn không bằng Mỹ. Ai có dịp làm việc, tham quan các bệnh viện ở Pháp và Mỹ sẽ có ngay nhận xét: bác sĩ Mỹ làm việc cật lực, chính xác như một robot còn các bác sĩ Pháp thì chậm chạp hơn, ưu tư hơn, có yếu tố duy tình chứ không duy lý như các bác sĩ Mỹ.
Về văn hóa, ẩm thực, phong cách sống con người Việt Nam dễ gần gũi và hòa đồng với người Pháp hơn. Nhân dân Pháp nói chung và bệnh nhân Pháp nói riêng vốn sống trong một đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc nên cũng rất thương quý người nước ngòai, tiếp xúc với bệnh nhân Pháp khá dễ chịu họ luôn tỏ ra hợp tác và hài hước. Chẳng thế mà 15 năm kể từ khi có chương trình hợp tác y tế theo chương trình FFI và sau này là DMFS đã có gần 2.000 bác sĩ Việt Nam sang thực tập tại Pháp với các trình độ và chương trình khác nhau. 2.000 bác sĩ này sau khi về nước đều có chuyên môn vững vàng, tiếp tục là các hạt nhân chuyên môn trong các cơ sở y tế, phục vụ tốt bệnh nhân.
Có lẽ tất cả mọi người học tập từ Pháp về, trong đó có tôi, đều có tình cảm đặc biệt với nước Pháp và những con người thật tử tế và tốt bụng nơi đó. Nỗi nhớ và hàm ơn những người thầy Pháp, những kỷ niệm bỗng chốc thường ùa về vào những ngày đầu đông, giáp Tết. Tôi nhớ rõ gần như từng ngày những ngày giáp Tết năm 2003, khi mà tôi đang thực tập tại một bệnh viện vùng đông nam nước Pháp.
Gần 60 bác sĩ thực tập tại Pháp năm đó lại nháo nhác lên vào dịp Tết. Mùa đông tại xứ người thật lạnh lẽo và ảm đạm. Trời thấp như một cái nồi cũ úp lên mặt đất. Nơi ấm nhất cũng gần 0 độ lúc gần sáng. 8h30 sáng mà trời vẫn tối thui, ăn vội miếng bánh mỳ phết bơ, uống cốc cà phê to nhạt thếch tới bệnh viện làm việc.
Khá căng thẳng và bận rộn vì bác sĩ Tây đi nghỉ đông nhiều, tiếng còn chưa quen, công việc cũng vậy. Chiều tối về nhà đã 18h30, trời lại tối thui, cắm nồi cơm, lục tủ lạnh làm thức ăn...cứ như vậy. Đã đến Ông Công, Ông Táo rồi, căn phòng có một bó hương dở của ai đó do Thái Lan sản xuất tôi mang ra thắp. Mùi hương tỏa khắp phòng, thật ấm áp, nhớ sao cái Tết ở nhà.
Dùng loại thẻ điện thoại chợ đen rẻ tiền gọi điện hỏi thăm mấy anh bạn ở Auch, Paris, Dreux... Ai cũng nhớ nhà, ai cũng muốn về nhưng không ai có thể về vì không có ngày nghỉ và một chuyến về thăm nhà chi phí khỏang 2.000 euro khiến ai cũng phải chùn chân.
Nhìn tới lịch thì ngày Tết không phải là ngày nghỉ của Pháp, sếp Tây mặc dù rất biết phong tục người châu Á nhưng cũng không thể cho nghỉ ngày mồng một Tết, tôi trộm nghĩ thôi đi làm cho nhanh hết ngày, đỡ buồn vậy. Tối về kiểm tra thư điện tử thì nhiều thư quá, thư từ nhà sang, thư của anh em đang ở Pháp. Ai cũng ôn lại kỷ niệm Tết Việt Nam, những đào quất, những bánh chưng, pháo hoa...Tưởng tượng đến khung cảnh tết nơi quê nhà ai cũng thấy nao lòng, muốn bay về bên người thân, về bên Hà Nội thân yêu.
Ông bà bố mẹ nuôi người Pháp tình nguyện chở tôi đi Toulouse đi chợ Tết. Khu chợ to nhất của người Hoa tại Toulouse đông đúc lạ thường. Toàn là người châu Á nhưng nhiều nhất là người Hoa. Cái gì cũng có nhưng không phải là đào và quất, cây cảnh Đài Loan, giò chả loại dùng collagene chứ không phải hàn the để tạo độ giòn, hương Thái Lan, bánh đa nem cũng vậy. Tôi mua vội ít gạo Thái, cây giò, bánh chưng gói bằng nilong, bó hương Thái Lan, một chai rượu sake vì không có nếp mới của Việt Nam mà không có thời gian nhìn ngắm nhiều vì phải trở về nhà sớm.
Cái tủ sắt đựng tài liệu trong phòng được dọn sạch, tôi bày ngay ngắn bánh , giò, rượu ra thắp hương. Tổ tiên không phải là đây, nhưng khi ta nhớ về tổ tiên và những người đã khuất thì họ sẽ ở bên ta, tôi thầm nghĩ vậy. Mùi khói hương thật đậm, ăn miếng bánh chưng luộc hãy còn sống, uống hớp rượu. Tôi lên giường thật sớm, những mong sẽ gặp được vợ con trong mơ, thấy lại hình ảnh người cha gầy guộc và cái Tết trong gió mùa đông bắc... nước mắt chảy tràn ra tự bao giờ.
Reng reng...tiếng báo thức đi làm đã rền vang. Nhấc điện thoại gọi về Việt Nam, vợ con đang về ngoại chúc Tết. Tôi chúc Tết thật nhanh mọi người và đi làm.
Tác giả bên đài phun nước ở thành phố Toulouse. Ảnh: Tác giả cung cấp |
Mùa xuân rồi cũng đến. Đỉnh núi Pyrénée nhìn từ phòng của tôi trong Internat vốn bạc trắng nay đã trở nên xanh mướt từ chân đến ngọn. Cảnh vật trong bệnh viện trở nên xanh tươi, đẹp lạ lùng. Con suối chảy ngang qua bệnh viện mềm như dải lụa. Đâu cũng thấy hoa nở, từ thềm nhà, cửa sổ, hàng rào, lối đi. Đằng sau bệnh viện có một cánh rừng nơi tôi thường thả bộ mỗi khi đi làm về. Ở đó có mấy cây anh đào hoang nơi chim chóc kéo đến ăn hàng đàn. Tôi chia sẻ với chúng những quả ngon nhất, ngọt lịm.
Thỉnh thoảng tôi lại gặp những bệnh nhân thả bộ thong dong. Có ông chồng ngày nào cũng đẩy xe lăn đưa vợ đi dạo, có khi còn gắn thêm cả chai truyền. Ông làm việc đó thật nhẹ nhàng, chu đáo và mãn nguyện. Có khi lại dừng lại chải tóc cho vợ. Thế đấy, tình yêu của người Pháp cũng lãng mạn và mãnh liệt lắm chứ. Ai bảo người Pháp là đa tình, kém sâu sắc?
Mùa hè chúng tôi dành trọn những ngày nghỉ và chút tiền dành dụm được đi vacance. Hơn 60 bác sĩ Việt Nam được hội ngộ ở Bretagne, tha hồ nói tiếng Việt, hàn huyên, thăm thú. Người Bretons hiền như đất, chân thật và yêu Việt Nam như mê dại. Chúng tôi được bố mẹ nuôi mới đón về nhà, đưa đi chơi, xem họ làm công việc vườn tược và đồng áng. Những bữa ăn ngoài trời trên thảm cỏ xanh mướt, nắng chiều vàng xuộm, trời thật mát và khô, uống rượu táo...làm tôi nhớ lại một câu nói của ai đó: nếu không có chiến tranh và tội ác thì thế giới chính là nơi đáng để sống nhất chứ không phải là thiên đường.
Ngày chia tay nước mắt những người dân ở đó, của chúng tôi trộn vào nhau, nóng hổi.
Mùa hè như một phần thưởng của thời tiết, của thiên nhiên cho những ai đã bị nó hành hạ trong mùa đông. Sau những kỳ nghỉ chúng tôi phải dần chuẩn bị cho ngày về. Jean Pièrre, cha nuôi của tôi (famille d'accueille) đưa tôi ra sân bay cho chuyến bay sớm nhất khi trời còn tối mịt. Cả hai đều không nói được gì. Người cựu chiến binh của chiến trường Algerie gạt nước mắt ôm hôn tôi và hẹn ngày tái ngộ. Thế mà đã 10 năm rồi cha nhỉ, cha con ta chưa thể gặp nhau, cha đã 83 tuổi rồi nhỉ. Email cho ông, nói chuyện qua điện thoại ông không hề ca thán về sức khỏe của mình...luôn chỉ một câu tuổi già phải như vậy.
Tác giả trong một bữa tiệc cùng những người bạn Pháp. Ảnh: Tác giả cung cấp |
Hơn 40 năm trong cuộc đời, đó là những năm tháng duy nhất mà tôi xa nhà. Đầy áp lực và đáng nhớ nhưng cũng đã trôi qua rồi. Nhớ tới nước Pháp vẫn là những phong cảnh đẹp như tranh vẽ, những con người có phần nông nổi và tốt bụng như những ông Phật, bà tiên, giới chuyên môn khá lười và bảo thủ nhưng rất nhân văn và luôn thương quý học sinh Việt Nam...
Nhớ và mong sẽ còn gặp lại.
Hoàng Cương