Cách đây hàng chục năm, linh mục trẻ Fidelis Mukonori miệt mài thu thập các bằng chứng về nạn diệt chủng trong cuộc nội chiến đẫm máu trên quê hương và giao cho tất cả cho Robert Mugabe, lãnh đạo cốt cán trong cuộc đấu tranh giải phóng Zimbabwe. Mối quan hệ tin cậy giữa Tổng thống Mugabe và linh mục Mukonori hình thành từ khi đó, theo CNN.
Gần 40 năm sau đó, linh mục Mukonori đứng ra làm người thương thuyết giữa quân đội và ông Mugabe, giúp đất nước châu Phi trải qua giai đoạn chuyển giao quyền lực trong hòa bình, không đổ máu.
"Tôi là kiểu người cứng rắn, khó nhằn. Trước kia, tôi từng làm việc này", linh mục Mukonori trả lời trong một cuộc phỏng vấn.
Gặp mặt Tổng thống 93 tuổi hàng ngày trong suốt thời gian thương thuyết, linh mục Mukonori cho biết chiến lược của ông là không bao giờ tranh cãi với ông Mugabe mà chỉ lắng nghe và thuyết phục Mugabe rời khỏi chính trường trong danh dự.
"Ông ấy là một người tranh luận giỏi, một nhà tư tưởng. Ông ấy lập luận một cách thông minh và suy nghĩ như một triết gia", linh mục 70 tuổi, được cả quân đội và ông Mugabe tin tưởng chọn làm người trung gian đàm phán, nhận xét. "Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khiến Tổng thống Mugabe nhìn thấy những gì đang xảy ra ở đất nước này về mặt kinh tế và chính trị vào thời điểm đó và những nguy cơ có thể xảy ra khi quân đội vào tiếp quản".
Quân đội Zimbabwe đêm 14/11 triển khai binh sĩ, vũ khí hạng nặng ở thủ đô Harare và quản thúc ông Mugabe tại nhà riêng. Quân đội khẳng định đây không phải là một cuộc đảo chính và sẽ thương thảo để ông Mugabe chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
"Ông Mugabe không phản đối rằng có vấn đề cần giải quyết nhưng ông ấy băn khoăn tại sao quân đội phải làm như vậy", linh mục Mukonori kể lại.
Sau khi tiến hành quản thúc ông Mugabe tại nhà, quân đội cho nhà lãnh đạo 93 tuổi hai lựa chọn, một là tuyên bố từ chức và hai là phải đối mặt với quá trình luận tội trước quốc hội.
Thời gian trôi qua, khi không có tín hiệu cho thấy ông Mugabe sẽ tự nguyện từ chức, áp lực ngày càng gia tăng lên linh mục Mukonori và các tướng quân đội. Trong lúc đó, Mukorini cho biết ông đã nói nhiều lần với ông Mugabe về những đóng góp của Tổng thống cho Zimbabwe, khẳng định vai trò của ông như một người anh hùng giải phóng dân tộc. Linh mục Mukorini khẳng định ông Mugabe vẫn được lãnh đạo đảng cầm quyền và quân đội tôn trọng.
"Các tướng lĩnh luôn đối xử với ông ấy với sự tôn trọng trong các cuộc thảo luận, họ thậm chí còn chào ông ấy theo điều lệnh", linh mục nói. "Ông ấy biết ông ấy muốn ra đi trong danh dự".
Mặc dù đã đạt thỏa thuận với quân đội, ông Mugabe vẫn muốn một cuộc chuyển giao quyền lực theo đúng quy trình cho cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, người vừa bị ông sa thải hai tháng trước và rõ ràng được quân đội ủng hộ tiếp quản vị trí tổng thống.
Bất chấp sức ép từ phía quân đội, trong bài phát biểu trên truyền hình tối chủ nhật tuần trước, ông Mugabe vẫn không tuyên bố từ chức.
"Quá trình này đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn", ông Mukonori cho biết. "Lắng nghe một người già 93 tuổi không giống như nghe một người 23 hay 17 tuổi".
Cuối cùng, những lời kêu gọi của người dân Zimbabwe đã thuyết phục ông ấy ra đi, theo linh mục Mukonori.
Khi hàng chục nghìn người đổ ra các con phố ở thủ đô Harare yêu cầu ông Mugabe từ chức, linh mục Mukonori tận dụng giây phút đó để tạo bước đột phá.
"Điều đó đã khiến ông ấy lung lay", ông Mukonori nói. "Ông ấy nhận ra rằng đây là cách mà người dân nói rằng với họ như vậy là quá đủ rồi". Ông Mugabe quyết định gửi đơn từ chức tới quốc hội hôm 21/11.
Ông Mukoroni cho biết vẫn nói chuyện với cựu tổng thống gần như hàng ngày. Ông Mugabe đề nghị trở thành người cố vấn cho tân tổng thống Mnangagwa, mặc dù đa số người dân Zimbabwe muốn ông rút lui hoàn toàn.
"Ông ấy không biến mất khỏi cõi đời này, ông ấy không chết. Nhưng ông ấy không còn ở trong trung tâm của sự chú ý của công chúng nữa. Trí óc ông ấy vẫn hoạt động và minh mẫn", linh mục Mukonori khẳng định.
An Hồng