Một tên lửa Patriot PAC-3 trong lần phóng thử thành công năm 2008 tại Nhật Bản. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật. |
Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ có những bước chuẩn bị phù hợp, trong đó có việc triển khai các tàu khu trục trang bị công nghệ Aegis (Airbonne Early-waring Ground Intergration Segment - Bộ phận hợp nhất thông tin cảnh báo sớm đường không trên mặt đất) và các hệ thống tên lửa Patriot Advanced Capability-3 tại quần đảo cực nam Sakishima, NHK hôm nay đưa tin.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Naoki Tanaka trước đó cảnh báo rằng ông có thể ra lệnh bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó đe dọa an toàn của Nhật Bản. Tanaka nói với quốc hội Nhật rằng ông sẽ chỉ hành động "với sự chấp thuận của thủ tướng".
Triều Tiên hôm 16/3 tuyên bố kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh quan sát trái đất lên quỹ đạo trong khoảng từ ngày 12 tới 16/4, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác phản đối kế hoạch này, coi nó là sự vi phạm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời phá vỡ thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà Bình Nhưỡng và Washington vừa đạt được.
Mỹ và nhiều nước khác cho rằng cuộc phóng vệ tinh này thực ra là một cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo được che đậy. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cáo buộc các chỉ trích từ bên ngoài là nhằm xâm phạm chủ quyền của Triều Tiên, đồng thời cho hay không có ý định hủy kế hoạch phóng vệ tinh. Bĩnh Nhưỡng khẳng định kế hoạch phóng vệ tinh khác với thử tên lửa tầm xa và vì thế nước này không phá vỡ cam kết với Mỹ.
Sơ đồ cho thấy hệ thống tên lửa Patriot Advanced Capability-3 cùng các hệ thống đánh chặn khác có thể ngăn chặn và tiêu diệt tên lửa của đối phương ngay từ giai đoạn khởi động. Đồ họa: Defenseindustrydaily |
Trước thái độ kiên quyết của Triều Tiên, Hàn Quốc đã đặt thủ đô Seoul trong tình trạng báo động. Hàn Quốc và Mỹ sẽ tăng cường giám sát các khu vực quanh Tongchang-ri, bãi phóng tên lửa mới của Triều Tiên ở phía tây nước này. Các tàu chiến của Mỹ và Hàn Quốc được trang bị công nghệ Aegis có thể theo dõi bất cứ một cuộc phóng tên lửa nào.
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc tuyên bố nước này đã có những đàm phán thẳng thắn với phái viên hạt nhân Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố mời các thanh sát viên Liên Hợp Quốc tới giám sát thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Mỹ.
Phái viên Trung Quốc về vấn đề hạt nhân, Vũ Đại Vĩ và người đồng cấp Triều Tiên, Ri Yong-ho có những trao đổi quan điểm sâu và thẳng thắn về việc làm thế nào duy trì hòa bình cũng như ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc gặp này được tổ chức tại Bắc Kinh hôm nay.
Đây là lần thứ hai Trung Quốc và Triều Tiên có tiếp xúc kể từ khi Bình Nhưỡng hôm 16/3 tuyên bố sẽ phóng tên lửa để đưa một vệ tinh vào quỹ đạo. Chỉ vài giờ sau tuyên bố này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã gặp đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc để bày tỏ sự lo ngại của Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế.
Nhật Nam