Ông Li Dejin, Giám đốc Sở Truyền thông tỉnh Phúc Kiến với chiếc đồng hồ hiệu Rado giá 8.000 USD. Ảnh: Weibo |
Người dùng mạng xã hội cho hay hàng chục nghìn ấn bản của một tờ nhật báo hôm 8/10 bị tiêu hủy sau khi nó đăng một bài báo về một quan chức chính phủ cấp cao tại tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc.
Họ đăng tải bài báo từ tờ City Times, trong đó cho hay ông Li Dejin, Giám đốc Sở Truyền thông tỉnh Phúc Kiến, sở hữu chiếc đồng hồ hiệu Rado trị giá gần 8.000 USD và chiếc thắt lưng hiệu Hermes có giá hơn 2.300 USD.
Tòa soạn báo này nằm ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam.
Người dùng mạng xã hội Weibo, thuộc cổng thông tin hàng đầu Trung Quốc Sina, đã dẫn lại bài báo này hơn 100.000 lần. Họ cũng để lại hàng nghìn lời bình luận, cáo buộc ông Li vì tội tham những và lạm dụng quyền lực khi cố gắng ngăn chặn bài báo phát tán.
Các cuộc gọi điện thoại của AFP tới văn phòng chính quyền tỉnh Phúc Kiến hôm qua đều không được đáp máy, còn phát ngôn viên của City Times từ chối bình luận.
Hãng thông tấn nhà nước Xinhua, trong một bình luận trên blog Weibo, cũng đề nghị ông Li giải trình về bức ảnh, trong đó ông rõ ràng đang đeo một chiếc đồng hồ hiệu Rado.
Các quan chức chính phủ Trung Quốc không ít lần bị cáo buộc tham nhũng, có lối sống xa hoa, trong khi hàng trăm triệu người dân nước này vẫn phải vật lộn với nghèo đói, bất chấp sự bùng nổ về kinh tế trong những năm gần đây.
Sự việc trở nên đặc biệt nhạy cảm trong bối cảnh một "ngôi sao chính trị" của đảng Cộng sản Trung Quốc, Bạc Hy Lai, bị cách chức, khai trừ khỏi đảng vì một vụ bê bối. Vợ ông mới đây bị bắt vì tội giết người và ông Bạc bị cáo buộc một loạt tội danh trong đó có tham nhũng.
Những quan chức tham nhũng Trung Quốc cũng đang bị người dùng mạng xã hội giám sát ngày một gắt gao. Yang Dacai, một quan chức chính phủ tỉnh Thiểm Tây, miền trung Trung Quốc, tháng trước bị sa thải sau khi người dùng Weibo đăng tải các tấm ảnh ông này đeo những chiếc đồng hồ đắt tiền. Trị giá của các đồng hồ đó ước tính ít nhất 47.600 USD.
Với vụ ông Li, một số người dùng Weibo khác đặt dấu hỏi làm thế nào một quan chức chỉnh phủ tỉnh Phúc Kiến có thể ra lệnh tiêu hủy các tờ báo được xuất bản ở vùng khác tại Trung Quốc.
Trọng Giáp