
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Japan Times/Reuters.
"Nếu chúng tôi có thể giải quyết vấn đề bắt cóc, đối thoại trực tiếp với ông Kim Jong-un là cần thiết", Japan Times dẫn một nguồn tin từ văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay, đề cập đến việc các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong hai thập niên 1970 và 1980.
Một quan chức chính phủ Nhật Bản cũng bày tỏ kỳ vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh Tokyo - Bình Nhưỡng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đều đã quyết định gặp thượng đỉnh Kim Jong-un, dự kiến trong vài tháng tới. Ông Abe dự kiến thăm Mỹ và gặp ông Trump vào tháng 4 để bàn về chính sách của hai bên với Triều Tiên.
Theo quan chức trên, Mỹ và Triều Tiên dự kiến thảo luận về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Nhật Bản và Triều Tiên có thể đàm phán về vấn đề bắt cóc và bình thường hóa quan hệ song phương.
Trả lời câu hỏi về gặp thượng đỉnh Nhật Bản - Triều Tiên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm nay cho biết Tokyo "sẽ cân nhắc các hành động tiếp theo dựa trên những khía cạnh có hiệu quả nhất".
Lần gần nhất lãnh đạo Nhật Bản và Triều Tiên gặp nhau là năm 2004, giữa thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Junichiro Koizumi và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, tại Bình Nhưỡng.
Nhật Bản đã công khai danh sách 17 công dân bị các điệp viên Triều Tiên bắt cóc và các trường hợp công dân biến mất nghi có sự liên quan của Triều Tiên. Trong số này, 5 trường hợp đã được hồi hương năm 2002, sau cuộc gặp giữa ông Koizumi và ông Kim Jong-il.
Bình Nhưỡng thông báo 8 trường hợp đã qua đời, 4 trường hợp còn lại chưa từng đến Triều Tiên.
Như Tâm