Tối 25/4, ngay trước cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chị Lê Thị Bích Hường, 55 tuổi, cùng một số kiều bào biểu diễn bài hát quan họ "Vào chùa" lần cuối cùng trên đảo, trước hàng chục chiến sĩ hải quân cùng các hộ dân.
"Hồng đào, đào nở thắm, thắm miền quê đón xuân tưng bừng. Nơi quê nhà âm vang tiếng hát, em vẫn nhớ, nhớ anh đó đứng gác ngoài khơi canh giữ biển trời", chị Hường ngân nga hát trong lúc hai chị khác mang hai đĩa kẹo lần lượt mời chiến sĩ trong hàng ghế khán giả. Tiếng hát quan họ cứ thế vang lên trên đảo Trường Sa, một chiến sĩ trẻ còn hăng hái chạy lên giao lưu và cuối tiết mục, ôm chị Hường để cảm ơn.
Chị Hường là con gái bà Trần Thị Mỹ Lương, nghệ nhân quan họ ở Bắc Giang nay đã 80 tuổi. Được tin con gái sắp ra Trường Sa thăm chiến sĩ, bà Lương cặm cụi thức đêm viết lời mới cho điệu "Vào chùa". Với mong muốn thể hiện tình cảm của những người phụ nữ hậu phương gửi tới những người lính nơi đảo xa, người nghệ nhân đêm đó hăng say viết, đến nỗi chồng tỉnh dậy phải nhắc bà đi ngủ.
Chị Hường hát tặng thiếu tá Phạm Quang Trung ở đảo Đá Đông B.
Với mong muốn truyền lại tình cảm của mẹ tới các chiến sĩ, chị Hường mang bài hát này cùng những điệu chèo tới nhiều đảo nổi, đảo chìm nơi chị đặt chân tới. Tay gõ phách nhịp, tay phất quạt, chị Hường hát bài quan họ trên điểm cao nhất của đảo Đá Đông B.
Lần đầu được nghe khách đến thăm đảo hát chèo và quan họ, thiếu tá Phạm Quang Trung quê ở Thái Bình thích thú giậm chân theo nhịp. Ngày bé ở quê, anh vẫn thường nghe chương trình đàn và hát dân ca trên đài phát thanh.
"Mỗi người con sinh ra đều nghe những lời ru của mẹ, đó là một trong những làn điệu dân ca. Nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó có giá trị sâu thẳm, là cái gốc của người Việt Nam", chị Hường nói, lấy đó làm động lực để chia sẻ giá trị âm nhạc dân gian dù ở nước ngoài hay Việt Nam.
Làm nghề phiên dịch viên, chị Hường tới định cư tại Italy từ năm 2000 rồi đến Brazil làm việc trong 10 năm. Tại Brazil, chị từng được đại sứ quán Việt Nam mời biểu diễn quan họ để giới thiệu với các đại sứ và phu nhân các nước. Trở về châu Âu năm 2015, chị đăng ký thành lập Hiệp hội Italy - Việt Nam, Nhịp cầu văn hoá với ủy ban thành phố Bologna, nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua nghệ thuật, ẩm thực, du lịch. Hiệp hội tổ chức lớp dạy tiếng Việt và câu lạc bộ nghệ thuật dân gian, như hát quan họ, hát chèo, với sự góp sức của nghệ sĩ chèo Minh Thu và con gái, ca sĩ Đỗ Hạnh Quyên đang sống tại Italy.
Đây là lần đầu tiên chị Hường đến Trường Sa. Người phụ nữ duy nhất từ Italy là một trong gần 70 kiều bào đi qua 10 đảo ở Trường Sa và một nhà giàn trên thềm lục địa phía nam. Hành trình xuất phát từ cảng Cam Ranh, dài 1.000 hải lý, diễn ra trong khoảng thời gian 18/4 - 28/4. Chuyến công tác do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đến nay đã thực hiện được 7 lần, kể từ năm 2012.
Trong chuyến công tác Trường Sa, ngoài việc mang tiếng hát dân ca động viên tinh thần lính đảo, chị Hường còn muốn mắt thấy, tai nghe về đời sống ở Trường Sa và tìm hiểu những khó khăn, thiếu thốn của họ, từ đó chia sẻ câu chuyện với cộng đồng tại Italy và kêu gọi đóng góp cho Trường Sa.
Cầm trên tay quyển sổ và cây bút, chị Hường hỏi thăm các chiến sĩ trên mỗi đảo về tình hình nước uống, điện, rau xanh nhằm tìm ra những đóng góp thiết thực nhất các kiều bào ở Italy có thể chuẩn bị trong chuyến đi các năm sau.
Lúc tàu rời bến trong đêm, nhiều kiều bào không cầm được nước mắt khi chứng kiến hàng chục chàng trai tuổi đôi mươi trong màu áo trắng xanh hải quân dàn hàng, tươi cười vỗ tay và hát tặng lại tàu nhiều bài hát về người lính. Người dưới bến, kẻ trên tàu đồng thanh hát, vẫy tay nhau tới khi con tàu xa dần.
Khi đảo Trường Sa chỉ còn là những đốm sáng nhỏ trong đêm, chị Hường chạy từ thành tàu ra bãi đỗ trực thăng phía đuôi để hướng về đảo Trường Sa lâu thêm một chút nữa. Trước khi lên tàu, một nhóm 4, 5 chiến sĩ trẻ thủ thỉ với chị: "U ơi, u cho con ôm một cái". "Mấy đứa cứ ôm liền, ôm chặt", chị kể. Có chiến sĩ quê Hải Phòng còn nhờ chị hát bài "Bến cảng quê hương tôi" nhưng không kịp vì tàu phải rời bến. Các chiến sĩ kém tuổi con mình khiến chị nhớ về câu hát những người lính "tuổi hai mươi chưa từng hò hẹn, trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi".
Video: Kiều bào bật khóc khi tạm biệt lính đảo Trường Sa
Trọng Giáp