"Mẹ tôi luôn nói rằng có hai loại người trên đời có khả năng nấu nướng", nhà văn Kim Thúy trả lời kênh CBC Montreal. "Một nhóm thực sự biết nấu ăn và nhóm kia là những người biết cách ăn. Nếu anh biết thưởng thức một món ăn, anh có thể bắt chước vị của món đó".
Khi mới lên 10 tuổi, nhà văn sinh năm 1968 cùng gia đình rời Việt Nam sang vùng Quebec, Canada định cư. "Ru" - cuốn tiểu thuyết đầu tay viết bằng tiếng Pháp của cô - xuất bản năm 2009 giành được thành công vang dội và đã được dịch ra 25 thứ tiếng.
Tác phẩm mới nhất của nữ tiểu thuyết gia gốc Việt là cuốn sách dạy nấu ăn có tên "Le Secret des Vietnamiennes" (Tạm dịch: Bí mật của người Việt Nam). Nhà văn Kim Thúy cho biết ẩm thực luôn là một phần quan trọng trong các tác phẩm và cả trong cuộc sống của cô. Trước khi viết văn, cô từng mở nhà hàng ở Montreal để kiếm sống qua ngày. Điểm đặc biệt của nhà hàng này là mỗi ngày chỉ phục vụ một món.
"Khi tôi mở nhà hàng tôi không biết nấu ăn như thế nào", nữ nhà văn 49 tuổi nhớ lại. "Nhà hàng phục vụ món nào thì ngày hôm trước tôi phải học nấu món đó từ mẹ. Do vậy, chỉ là tôi làm theo sự hiểu biết của mình thôi".
Tình yêu với việc nấu nướng thực sự bắt đầu khi Kim Thúy về thăm Việt Nam. Cô nhận thấy các món ăn chế biến ở quê nhà hoàn toàn không giống với đồ ăn Việt ở Montreal.
Cuốn sách "Le Secret des Vietnamiennes" được chia làm nhiều phần, mỗi phần đều bắt đầu bằng bức ảnh chân dung một người bác hoặc dì của nữ nhà văn và một đoạn giới thiệu về tính cách của từng người.
"Nhiều gia đình đã mất người thân trên đường đến vùng đất mới. Tôi cảm thấy may mắn vì vẫn còn các bác và các dì", Kim Thúy tâm sự.
Nữ nhà văn cho biết những công thức nấu ăn trong cuốn sách không xa lạ với người Việt Nam nên đối tượng bạn đọc mà cô hướng tới là người nước ngoài.
"Tôi muốn giới thiệu ẩm thực Việt Nam cho những người không phải là người gốc Việt, cho những người hoàn toàn chưa bao giờ nấu món ăn Việt", nhà văn nói.
Chia sẻ về sự khác biệt giữa các món ăn Việt và ẩm thực vùng Quebec mang đậm hương vị Pháp, nhà văn Kim Thúy cho rằng: "Ẩm thực Việt Nam không chú trọng đến các loại gia vị dạng hạt mà chủ yếu dùng tới các loại rau thơm."
"Điểm đặc biệt không phải nằm ở nguyên liệu mà ở cách kết hợp các nguyên liệu", nhà văn nhấn mạnh.
An Hồng