"Úi giời ơi, mấy đứa trẻ đều là người Việt Nam mà lại không biết nói tiếng Việt à?", chị Nguyễn Quỳnh Mai, sống hơn 20 năm ở Pháp, kể với VnExpress những lần về chơi hay bị các ông bà "mắng yêu" như vậy.
Chị Quỳnh Mai luôn nuôi dưỡng môi trường song ngữ ở nhà cho con gái lớn 10 tuổi và con trai 8 tuổi, ví dụ chị hoàn toàn giao tiếp bằng tiếng Việt với các con suốt ba năm đầu đời. Nhưng càng lớn các bé càng chuyển dần sang nói tiếng Pháp.
Câu chuyện gia đình nhà chị Mai cũng giống nhiều gia đình trẻ gốc Việt ở Pháp. Cha mẹ định cư ở Pháp để tận dụng cơ hội việc làm tốt hơn và cuộc sống chất lượng hơn so với ở quê nhà. Họ mang trong lòng nỗi nhớ Việt Nam da diết và cảm giác giằng xé giữa quê hương mới và quê hương cũ. Nhưng con cái họ, thế hệ thứ hai sinh ra ở Pháp, mặc dù được cha mẹ dạy dỗ trong môi trường gia đình đậm đặc tính truyền thống Việt Nam, các bé vẫn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa và ngôn ngữ Pháp.
Hiểu về cội nguồn
Chị Quỳnh Mai thừa nhận gặp nhiều khó khăn khi hướng con tìm hiểu về quê hương. Chị kể ngay khi con gái Linh Chi bắt đầu đi học mẫu giáo, chị đặt ra quy định về nhà chỉ nói tiếng Việt. Sau một thời gian, chị nhận thấy Linh Chi ngày càng ít nói chuyện với mẹ mà chỉ nói chuyện với bố. "Lúc đầu tôi tưởng con bé giận dỗi nhưng hóa ra không phải. Một lần gặng hỏi, cháu bảo 'Con phải dịch cho mẹ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Mệt lắm'", chị Quỳnh Mai bật cười kể lại. Và lúc đó, chị hiểu rằng mình phải tạo ra nhu cầu học tiếng Việt cho con, phải có môi trường để cháu tiếp cận với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.
Nghĩ là làm, chị Quỳnh Mai, cùng các ông bố bà mẹ ở Paris, xây dựng nhóm Cánh Diều để các con thực hành tiếng Việt thông qua các hoạt động múa, học vẽ, tập võ và ca hát.
Lớp học võ tại Cánh Diều tổ chức ở một văn phòng trên phố Rue du Caire, Paris, Pháp. Nguồn: Cánh Diều
Là người đồng sáng lập ra nhóm Cánh Diều, tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương, nhà nghiên cứu tại đại học Genève & Paris Diderot kiêm giám đốc Hội Chuyên gia và Khoa học Việt Nam Toàn cầu, cho rằng ngay từ khi những đứa trẻ gốc Việt sinh ra ở nước ngoài chưa ý thức được về "nhận dạng bản thể cá nhân", về nguồn gốc hay sự khác biệt về hình thức của mình với số đông còn lại, chúng đã thường xuyên đối mặt với những nhận xét hay câu hỏi của mọi người xung quanh như "Con là người Việt, người Pháp hay người Trung Quốc?".
"Và điều đó làm cho trẻ sớm 'tự vấn' về mình", chị Thụy Phương nói.
Tất cả các phụ huynh nhận lời trả lời phỏng vấn của VnExpress đều thừa nhận rằng khi đi học, các con thấy mình khác biệt so với bạn. Ban đầu, các bé không chấp nhận điều này. Và để giống các bạn, các bé "từ chối nói tiếng Việt, chỉ nói tiếng Pháp". Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia Cánh Diều, bọn trẻ gặp rất nhiều bạn đồng trang lứa nói được cả hai thứ tiếng. "Tự nhiên, các con tự tin hơn, không cảm thấy mình trơ trọi một mình nữa", chị Quỳnh Mai nhận xét.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, trong giai đoạn trưởng thành, thế hệ nhập cư thứ hai thường phải đấu tranh, thậm chí vật lộn để xác định "bản sắc" của mình. Mặc dù, thông thạo ngôn ngữ và hòa nhập về mặt văn hóa với xã hội nơi được sinh ra, thế hệ thứ hai vẫn ám ảnh về sự khác biệt của mình so với mọi người xung quanh. Trong bài nghiên cứu về thế hệ nhập cư châu Á của thạc sĩ Nazli Kibri tại trường đại học Johns Hopkins, Mỹ, diễn biến tâm lý này trỗi dậy mạnh mẽ nhất trong thời niên thiếu khi con người bắt đầu nhận thức về "cái tôi".
"Với tôi, các con có thể nói tốt tiếng Việt vô cùng quan trọng. Hiểu về cội nguồn của mình là một nhu cầu rất tất yếu của con người", chị Quỳnh Mai giải thích khi biết tiếng Việt, bọn trẻ sẽ hiểu về văn hóa của dân tộc và đặc tính của con người Việt Nam. "Như vậy các con sẽ trả lời được câu hỏi 'Tôi là ai?'"
Nỗi niềm của người xa xứ
Anh Trung Kiên, kỹ sư công trình xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, sang Pháp từ năm 2002 để học đại học. Sau đó, Trung Kiên quyết định định cư và xây dựng tổ ấm trên đất Pháp. Hiện hai vợ chồng Trung Kiên và ba con từ 8 đến 1 tuổi đang sống ở Paris. Tương tự, anh Hoàng Phương sang Pháp năm 2005 học thạc sĩ về kiến trúc, rồi thực tập ở các công ty và được nhận vào làm chính thức, sau đó anh ổn định cuộc sống với gia đình ở Kinh đô Ánh sáng.
Anh Trung Kiên và Hoàng Phương, cùng vợ của họ, đều là những trí thức trẻ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam sau đó sang Pháp học tập và lập nghiệp. Họ thuộc làn sóng nhập cư người Việt đến Pháp sau năm 1975. "Không giống các thế hệ di tản trong chiến tranh, mình không giữ trong lòng uẩn khúc gì với quê nhà nên không có lý do gì mà không khích lệ các con nói tiếng Việt", Trung Kiên nói. Bên cạnh đó, việc đi lại giữa Pháp và Việt Nam dễ dàng hơn trước kia nên thế hệ thứ hai càng có điều kiện và nhu cầu tìm hiểu về văn hóa quê hương.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp dẫn kết quả một cuộc điều tra dân số của Pháp ước tính số người Việt Nam hiện gần 300.000 người, chủ yếu những người đã nhập quốc tịch Pháp hoặc thường trú dài hạn. Cộng đồng người Việt là một trong 80 cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Pháp nổi tiếng nhờ sự hội nhập thành công vào xã hội Pháp, mối quan hệ tốt đẹp với người dân địa phương và niềm đam mê tri thức. Nhiều người có trình độ học vấn cao và có một vị trí tốt, thu nhập cao trong xã hội Pháp. Trên thực tế, khoảng 40.000 người Việt Nam có bằng đại học hoặc sau đại học trong các chuyên ngành khác nhau. Đa phần người Việt định cư ở các thành phố lớn và sầm uất như thủ đô Paris với khoảng 70.000 người và thành phố cảng Marseille hơn 20.000 người.
Anh Trung Kiên cho các con tham gia tích cực nhóm Cánh Diều từ khi mới chỉ 3-4 tuổi. Các phụ huynh rất tâm đắc với các tên Cánh Diều vì nó hàm chứa ước mong những đứa trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Pháp ngày một bay cao bay xa nhưng vẫn có một sợi dây nguồn cội níu giữ.
Mỗi tháng hai lần, vào Chủ nhật, một văn phòng chật hẹp ở quận trung tâm của Paris lại rộn ràng tiếng cười đùa của khoảng 30 đứa trẻ chen chúc trong các lớp học múa, học vẽ, học võ và ca hát kể chuyện."Cánh Diều là một nơi để các gia đình Việt sống ở Pháp gặp gỡ nhau và giao thoa với nhau, mỗi gia đình đóng góp một góc nhìn riêng về văn hóa Việt Nam. Từ đó các con có sự chia sẻ và tăng vốn văn hóa, ngôn ngữ của các cháu", Trung Kiên nói.
Ông bố 35 tuổi kể rằng trước kia, các con anh toàn nói tiếng Việt không dấu. Bố mẹ ở nhà hàng ngày không nhận ra điều đó mãi cho đến khi bạn bè hoặc họ hàng từ Việt Nam sang mới phát hiện ra. "Giờ chúng nói tốt hơn nhiều rồi, đã biết đọc truyện tranh cho bố mẹ nghe và có dấu đàng hoàng".
Trong khi đó, anh Hoàng Phương, thầy dạy vẽ tại Cánh Diều hơn 4 năm, luôn cố gắng lồng ghép chủ đề về văn hóa Việt Nam vào các bài tập vẽ nhằm khơi gợi trí tò mò của các con về quê hương. "Bọn tôi ở bên này có một nỗi sợ là sợ con cái quên mất nguồn gốc của mình. Quốc tịch Pháp chỉ là trên giấy tờ thôi. Trong đầu lúc nào cũng nghĩ là mình là người Việt Nam chứ không phải người Pháp", anh Hoàng Phương bày tỏ.
Cứ vào mỗi dịp Tết, cộng đồng người Việt sinh sống ở Paris lại tổ chức chương trình ca nhạc với quy mô lớn để kết nối những người con xa xứ. Tết Mậu Tuất năm nay, riêng đội hậu cần đã lên tới 700 người.
Cánh Diều đóng góp màn múa múa công của các mẹ và các con. Và sau đó, các con hát bài "Long Phụng Sum Vầy". Trong khi, bọn trẻ lên sân khấu biểu diễn sau hơn hai tháng tập luyện chăm chỉ, bố mẹ ở dưới hò hét, cổ vũ tưng bừng. "Chúng tôi xúc động nhất trong những dịp như thế khi xung quanh mình toàn là người Việt, tất cả mọi thứ đều liên quan đến Việt Nam. Nhìn các con trên sân khấu, cảm giác như kiểu trồng cây tới ngày hái quả ngọt vậy", anh Hoàng Phương nói.
Hạnh Phạm